Tại đại công trường thủy điện Sơn La đã xuất hiện nhiều kỷ lục trong quá trình xây dựng.
Nếu như thủy điện Hòa Bình có hơn 4.000 thợ lắp máy và trên 100 chuyên gia nước ngoài thì tại Sơn La không có chuyên gia hỗ trợ. Điều này khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của người thợ lắp máy VN.
73.000 tấn thiết bị được lắp đặt an toàn
Phó TGĐ Cty CP Lilama10 Nguyễn Thế Trinh (người trực tiếp chỉ huy thi công lắp máy công trình Nhà máy thủy điện Sơn La) khẳng định công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La đánh dấu sự trưởng thành và ngày càng lớn mạnh của lắp máy Việt Nam. Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm của Nhà nước có công suất thiết kế 2.400MW, gồm 6 tổ máy với điện lượng bình quân 10,25 tỉ kWh. Nhận thức rõ đây là một nhiệm vụ vô cùng lớn mà Chính phủ đã tin tưởng giao cho Lilama10, tập thể lãnh đạo Cty đã cùng NLĐ đặt quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với mục tiêu phát
điện sớm ngày nào sẽ tiết kiệm và mang lại lợi ích cho đất nước ngày ấy. Trong hơn 6 năm xây dựng Lilama10 đã phải lắp đặt 73.000 tấn thiết bị/115.000 tấn. Phần lớn các hạng mục do Lilama10 đảm nhận đều khó và đòi hỏi độ chính xác tới từng milimet như: Thiết bị đập tràn, cửa nhận nước đường ống áp lực, thiết bị hạ lưu, thiết bị cơ điện và quan trọng nhất là việc lắp đặt roto của 6 tổ máy vì đây là những phần việc sống còn cho hoạt động phát điện của công trình.
Thợ lắp máy Lilama10 lắp ráp Roto trên công trường thuỷ điện Sơn La. Ảnh: Nguỵ Hoàng Sơn
Ngành lắp máy tự hào vì đã ứng dụng công nghệ mới, lắp đặt stato máy phát, được tổng hợp từ những lá tôn silic nặng 3,4kg, gồm 258.000 lá thép mỏng 0,5mili gắn thành một stato. Ngoài ra, Lilama10 đã lắp toàn bộ thanh dẫn, trước đây các nhà máy công suất nhỏ, các nhà cung cấp thiết bị cung cấp sẵn 4 mảnh hoặc 3 mảnh, ghép vào nhau. Nhưng ở Sơn La bắt đầu từ con số không. Người thợ của Lilama10 phải lắp từng mảnh nhỏ để hình thành từng tổ máy. Ngoài thủy điện Sơn La, Lilama10 đã tham gia rất nhiều công trình thủy điện như: Thủy điện Hòa Bình rồi đến Vĩnh Sơn, Yaly, Sê San 3, Blây Clông, Bun Cốp, Sêlalốc 3, Sê San 4, Tuyên Quang, Bản Chát, Sơn La, Bắc Hà…
“Cũng là việc của mình mà thôi”
Việc lắp đặt tại chỗ đã mang lại nhiều lợi nhuận cao nhờ tiết kiệm được vận chuyển vì đây là công trình lớn, do vậy các máy móc thiết bị cũng rất lớn nặng đến hàng trăm tấn như: Biến áp 282 tấn chưa có dầu, bánh xe công tác 210 tấn, trục tuốc bin 110 tấn, nắp hầm tuốc bin 180 tấn… Theo ông Trinh, tất cả đều phụ thuộc vào công tác chuẩn bị đồng bộ. Việc này quyết định đến 50% thành công của việc thi công. Đó là các phần việc như: Thiết kế thi công, tổ chức thi công. Đối với Lilama10 thì tổ chức thi công chung trên toàn công trường và phương án thi công tối ưu để đáp ứng nhanh nhất là đòi hỏi phải có để phục vụ lắp ráp. Tất cả mọi phương tiện sẵn sàng chờ thiết bị để thi công, do vậy mới rút ngắn được thời gian thi công. Qua đó đã tiết kiệm được chi phí và nâng cao sản lượng thi công.
Nói về sự tiến bộ của người thợ Lilama ông Trinh cho biết: Tại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình có trên 4.000 thợ lắp máy và trên 100 chuyên gia nước ngoài, nhưng tại Sơn La không có chuyên gia mà chỉ có chuyên gia đi theo thiết bị để kiểm soát công tác lắp máy của thợ VN. Lực lượng lao động trên công trường bình quân chỉ sử dụng 1.000 công nhân và kỹ sư, lúc cao điểm cũng chỉ khoảng hơn 3.000 người. Thủy điện Sơn La do chính Lilama10 tự ký hợp đồng lắp đặt, do vậy ngoài việc nhập thiết bị về lắp đặt, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước đã chế tạo được 27.000 tấn thiết bị. Trong đó, Lilama10 đã chế tạo trên 4.000 tấn, Liên doanh cơ khí điện lực Hà Nội và cơ điện miền Trung chế tạo 9.000 tấn, TCty Máy thiết bị công nghiệp (MIE) chế tạo 14.000 tấn… Khó khăn nhất là việc lắp đặt đường ống áp lực nối với buồng xoắn ở độ dốc 530 và mỗi ống dài 2m, đường kính 10,5m, nặng 25 tấn. Việc thi công phải chính xác đến từng chi tiết để tâm đồng cốt, đồng trục, sau đó phải chụp phim, siêu âm đảm bảo đạt 100% không có dung sai. Việc lắp đặt máy móc đã khó khăn phức tạp, ngoài ra từng chi tiết phải đồng bộ với việc đổ bêtông và chuẩn bị mặt bằng. Nếu không đồng bộ mọi công sức sẽ đổ xuống sông, xuống bể. Nhưng ở thủy điện Sơn La, do có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị thi công nên không xảy vấn đề gì lớn.
Nói về tương lai của nghề cơ khí lắp ráp trên các công trình thuỷ điện, ông Trinh chia sẻ với chúng tôi: Thủy điện Lai Châu đang trong quá trình xây dựng, công trình do TCty Lắp máy đấu thầu và TCty đã giao cho Lilama10 thi công. Không trả lời thẳng vào những câu hỏi của chúng tôi về những khó khăn thách thức trên công trường mới, ông Trinh nhỏ nhẹ cho biết: “Cũng là việc của anh em mình thôi”. Câu nói nhẹ nhưng đậm chất của người thợ lắp máy Việt Nam.
Bình luận (0)