Lương y, thầy thuốc ưu tú Trần Văn Quảng, Hội Đông Y Việt Nam cảnh báo, mong muốn phòng ngừa tai biến mạch máu não bằng bài thuốc “bó chân” là chuyện hoang đường, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Bài thuốc truyền tay bó một vài vị thuốc vào chân trong một đêm đang được nhiều người rỉ tai nhau sử dụng như một phương thuốc thần kỳ, phòng ngừa tai biến mạch máu não cả đời.
Lương y, thầy thuốc ưu tú Trần Văn Quảng, Hội Đông Y Việt Nam cảnh báo, mong muốn phòng ngừa tai biến mạch máu não bằng bài thuốc “bó chân” là chuyện hoang đường, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Rước họa vì tự chữa bệnh
Ông N.Q.H (Hà Đông, Hà Nội) bị huyết áp cao. Một lần sinh hoạt tại câu lạc bộ người cao tuổi, ông được bạn phát cho một tờ giấy photo bài thuốc chỉ cần dùng một lần trong đời phòng ngừa cao huyết áp, tai biến mạch máu não. Bài thuốc gồm các vị thuốc: hạnh nhân (10 gam), chi tử (10 gam), đào nhân (10 gam), hạt tiêu (10 hạt), hạt nếp (10 hạt), thực hiện như sau: giã chung tất cả rồi trộn với một lòng trắng trứng gà, bó vào lòng bàn chân khi đi ngủ, đến sáng bỏ đi. Mấy người bạn còn bảo, từ khi áp dụng, thấy huyết áp ổn định rất tốt. Tối đó, về nhà, ông bỏ uống thuốc và áp dụng ngay bài thuốc “bó chân”. Nào ngờ, buổi sáng thức dậy ông bị tai biến phải đưa đi cấp cứu.
GS TS Dương Xuân Đạm, nguyên trưởng khoa Phục hồi chức năng, BVTƯ Quân đội108 – người có nhiều năm nghiên cứu, điều trị về tai biến mạch máu não khẳng định, không nên tin vào những bài thuốc không rõ cơ sở khoa học, nguồn gốc xuất xứ, tác dụng phụ. Nếu áp dụng, trước mắt có thể bị kích ứng, bỏng rát da do trong bài thuốc có vị hạt tiêu.
Đặc biệt, đối với người có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não do mắc bệnh huyết áp, tim mạch … bỏ uống thuốc theo chỉ định của BS, quay sang dùng bài thuốc “bó chân” rất dễ xảy ra tai biến, dẫn tới biến chứng nặng nề như tàn phế, yếu liệt, khiếm khuyết một chức năng nào đó trong cơ thể, sống thực vật.
Các vị thuốc đều không có tác dụng chữa bệnh
Lương y Quảng cho biết, bài thuốc trên chưa hề được ghi nhận trong các tài liệu về y khoa. Lương y Quảng phân tích, hạnh nhân theo y học cổ truyền có tác dụng giảm ho, ho suyễn, viêm phế quản, táo bón nhưng nếu dùng quá liều có thể dẫn đến bất tỉnh do thần kinh trung ương bị tổn thương, gây đau đầu, buồn nôn, tim loạn nhịp, người tiêu chảy, cảm lạnh không nên dùng; Chi tử có tác dụng làm mát gan, giải nhiệt, lợi tiểu, giải độc, cầm máu dùng để chữa viêm gan, vàng da, sốt cao mê sảng, tiểu ra máu, chảy máu cam, dùng ngoài giã đắp mụn nhọt, đau mắt đỏ…; Đào nhân dùng chữa ho, chữa bế kinh, táo bón, phụ nữ có thai không được dùng vì có thể gây sảy thai; Hạt tiêu, có tác dụng kháng khuẩn và diệt trùng nên được dùng để bảo quản thức ăn, chữa đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa …Như vậy, tất cả các vị thuốc đều không có tác dụng ngừa bệnh cao huyết áp hoặc tai biến mạch máu não.
Các chuyên gia cho biết, bệnh cao huyết áp có nhiều nguyên nhân và bệnh nặng nhẹ tùy thuộc thể trạng, cơ địa của từng người, do cách ăn uống, sinh hoạt, lối sống, thái độ tinh thần, áp lực công việc…
Vì vậy, theo GS TS Đạm, cách phòng bệnh tốt nhất là ngừng hút thuốc lá, bia rượu; năng tập thể thao, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học, dinh dưỡng đầy đủ, giàu vitamin, chất xơ và ít muối…; hạn chế ăn chất béo. Đối với những người có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cần mặc ấm khi trời lạnh, không để tiếp xúc với thời tiết lạnh một cách đột ngột, không nên tắm ngay khi vừa từ trời nắng nóng về, không thức giấc ra khỏi giường ngay vào lúc sáng sớm.
Theo Đất Việt
Bình luận (0)