Số bệnh nhân bị đau mắt đỏ vào điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương gia tăng nhanh chóng. Các bác sĩ cho biết, cứ vào thời điểm này hàng năm, dịch bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện và gia tăng khi mùa mưa bắt đầu.
Khám mắt cho bệnh nhân đau mắt đỏ ở Bệnh viện mắt Trung ương – Ảnh: H.Hà. |
Trẻ em mắc nhiều hơn người lớn
Đa số các bệnh nhân bị đau mắt đỏ vào khám thường không biết rõ nguyên nhân mắc bệnh hoặc nguồn lây bệnh cho mình, chỉ giải thích chung chung do bị bụi bay vào mắt, dụi mắt nhiều hay tự dưng thấy đau, một số bị lây do trong nhà hoặc cơ quan có người bị đau mắt trước.
Điểm khác biệt so với bệnh đau mắt đỏ các năm trước, năm nay số trẻ bị bệnh nhiều hơn đối tượng người lớn. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày bệnh viện khám tiếp nhận khoảng 100 ca bị đau mắt đỏ.
Trẻ em bị đau mắt đỏ vào khám thường kèm theo các triệu chứng sốt, đau họng, dễ bị nhầm là viêm họng. Có thể nhận biết sớm dấu hiệu khi mắc bệnh qua các biểu hiện: sốt, đau họng, xưng hạch ở trước tai, sau từ 5 – 7 ngày một bên mắt bị đỏ, và từ 3 – 5 ngày sau đỏ sang mắt còn lại, mắt rỉ nước, bị ngàu đỏ, gây cảm giác ngứa, cộm, sợ ánh sáng, bác sĩ khám phát hiện có hột đặc trưng trong mắt…
Theo các bác sĩ cho biết: vào thời điểm này hàng năm, bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện nhiều và gia tăng ở Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Bệnh tăng mạnh nhất khi bắt đầu mùa mưa ở miền Bắc.
Trong số những ca đau mắt đỏ vào điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong tuần qua, có ít ca nặng. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân do đến điều trị muộn, do đã sử dụng rất nhiều loại thuốc uống, thuốc nhỏ mắt trước đó nên dẫn đến biến chứng viêm giác mạc, giảm thị lực.
Bệnh dễ lây lan thành dịch
Đau mắt đỏ là bệnh do virut nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt tại các môi trường như gia đình, lớp học, công sở. Thời gian ủ bệnh của bệnh kéo dài từ 7-10 ngày, ngay trong thời gian này, virut đã có khả năng lây truyền bệnh, do đó rất khó để phòng tránh.
Khi trong gia đình đã có người bị đau mắt đỏ thì những người còn lại rất khó đề phòng được, bởi bệnh lây qua các tia bọt bắn ra khi nói chuyện, hay người bệnh dụi mắt… cũng khiến cho người thân có nguy cơ bị lây bệnh rất cao. Đặc biệt, ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần tiếp theo.
Ngoài ra, không khí nhiều bụi bẩn, thời tiết nắng nóng trong những ngày hè sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn, virut gây viêm kết mạc. Hiện chưa có thuốc đặc trị và vaccin phòng đau mắt đỏ vì chủng kháng nguyên của loại virut gây bệnh này biến đổi liên tục.
Bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng, sau một tuần bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách hoặc điều trị sau 7-10 ngày bệnh không khỏi rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc. Khi bị bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị. Không điều trị bằng thuốc kháng sinh vì không có hiệu quả.
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt không nên dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Nếu bị bệnh cần nghỉ 7 – 10 ngày để cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây sang người khác.
Thu Hương
Theo Sức khỏe&Đời sống
Theo Sức khỏe&Đời sống
Bình luận (0)