Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Đìu hiu thị trường lao động cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như các năm trước, vào dịp cuối năm, thị trường lao động TPHCM vào mùa nhộn nhịp do nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tăng, phục vụ các đơn hàng mùa lễ, tết thì năm nay, đến thời điểm này, thị trường lao động lâm vào cảnh đìu hiu.

Khó tìm việc

Chị Nguyễn Lan Hương, tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính – ngân hàng đã hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa có việc làm. Đi đến đâu nộp hồ sơ, chị cũng nhận được lời từ chối: “Tình hình kinh tế khó khăn, đang cắt giảm nhân sự”. Ngay cả nơi chị từng thực tập trước đây có nhã ý nhận chị vào làm việc lâu dài cũng lắc đầu mong chị thông cảm. “Bố mẹ bảo về quê một thời gian, nhưng học ngành của em nếu về quê cũng khó tìm việc nên phải ráng đi dạy kèm cầm cự thêm một thời gian nữa xem sao” – chị Hương nói.

Nhiều lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại quận Bình Tân, TPHCM.

Cùng nỗi lo lắng, anh Lương Đình Tám tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề ngành Công nghệ ô tô, nhưng 2 tháng qua cầm hồ sơ xin việc khắp nơi vẫn chưa tìm được việc làm, dù anh là quân nhân xuất ngũ, thuộc diện ưu tiên giới thiệu việc làm.

Anh Tám cho biết, đơn vị nào cũng bảo đang trong thời điểm khó khăn, phải cắt giảm nhân sự nên chưa có nhu cầu nhận thêm lao động. “Tuy nhiên họ cũng gợi ý để lại hồ sơ, khi nào kinh tế hồi phục sẽ gọi đi làm. Trong lúc chờ đợi, tôi đi phụ sửa xe cho một gara ô tô để đắp đổi qua ngày” – anh Tám cho biết. Không chỉ lao động có trình độ, tay nghề mà ngay cả lao động phổ thông hiện nay cũng khó tìm việc ổn định dù nhu cầu của các doanh nghiệp vẫn cần.

Lý giải điều này, chị Lê Thị Hiền, làm tại một công ty ở quận Bình Tân, cho biết, do hàng tồn kho nhiều, công ty cắt giảm hơn 50% lao động, số còn lại làm việc cầm chừng để hưởng lương cơ bản. Chị Hiền tâm sự: “Với mức lương cơ bản khoảng 2 triệu đồng/tháng không sống nổi, nên không ít công nhân xin nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp dù chẳng được là bao. Nhưng bù lại, mỗi tháng phụ bán quán cơm cho người quen cũng kiếm thêm được một ít và có thời gian giữ con”.

Thất nghiệp tăng

Không chỉ khó tìm việc mà tình trạng thất nghiệp cũng đang tăng nhanh. Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM – đơn vị tiếp nhận và xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại TPHCM – cho biết, 10 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn có trên 120.000 người lao động đăng ký thất nghiệp, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2011 và cao hơn số lượng người thất nghiệp của cả năm 2011. Tổng số tiền đã chi trả khoảng 900 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng trên địa bàn có khoảng 11.000 người thất nghiệp.

Nguyên nhân của sự sụt giảm nhu cầu này là do năm nay nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, làm ăn thua lỗ, sản xuất bị đình trệ; không ít doanh nghiệp giải thể, phá sản và cắt giảm lao động.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), người lao động sẽ còn khó khăn hơn vào cuối năm do doanh nghiệp còn thiếu vốn và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng có thể tiếp tục tăng đã tác động trực tiếp tới đời sống người lao động. Khác với mọi năm, cứ vào dịp cuối năm, doanh nghiệp lại đỏ mắt tìm lao động, năm nay thị trường lao động có vẻ ảm đạm.

Riêng tháng 10, kết quả khảo sát cho thấy lực lượng lao động thời vụ chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu tuyển dụng của thị trường, tập trung tại một số ngành nghề như marketing, nhân viên kinh doanh, bán hàng, bảo hiểm, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong tháng 10, khoảng 50% sinh viên mới ra trường vẫn tiếp tục khó tìm việc làm phù hợp, đặc biệt trong các ngành yêu cầu về trình độ và kinh nghiệm thuộc những nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ, dẫn đến tình trạng làm trái ngành, trái nghề. Hy vọng từ đây đến Tết Nguyên đán 2013, lao động ở các lĩnh vực dịch vụ, tiếp thị, tư vấn, bán hàng cuối năm sẽ nhộn nhịp hơn, dù tình hình kinh tế vẫn còn không ít khó khăn.

Tại nhiều trung tâm tuyển dụng lao động ở TPHCM, nhu cầu tuyển dụng ở mức giảm so với cùng thời điểm mọi năm và so với đầu năm. Nhất là một số ngành như xây dựng, tư vấn bất động sản, ngân hàng, kế toán rất ít nhu cầu tuyển dụng lao động.

Hồ Thu (SGGP)

Bình luận (0)