Thiếu thông tin chính xác, nhiều lao động đã bị trung gian cò mồi lợi dụng, lừa gạt khi đi xuất khẩu lao động, khiến cho tiền mất, nợ mang hoặc phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt không như hứa hẹn. Tại Hội thảo “Thúc đẩy di cư lao động an toàn” do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức ngày 18/12, Việt Nam đã giới thiệu những biện pháp nhằm hỗ trợ lao động di cư an toàn.
Thiếu thông tin, nhiều nguy cơ
Với mong muốn đi làm việc ở nước ngoài, đầu năm 2012, anh Trần Văn Hùng (quê ở Chương Mỹ, Hà Nội) đã đăng ký đi xuất khẩu lao động ngành xây dựng tại Nhật Bản. “Do chưa tìm hiểu kỹ đã ký hợp đồng, tôi đã nộp cho một công ty tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động 16,7 triệu đồng cả tiền học ngoại ngữ và tiền đặt cọc”. Đến khi học được 5 ngày thì công ty này trục trặc, anh Hùng phải nghỉ học. Công ty này cũng không hoàn lại tiền học, anh Hùng bị mất hơn 6 triệu đồng tiền học. Còn tiền đặt cọc thì không biết bao giờ mới đòi lại được.
Người lao động di cư có quyền được tư vấn thông tin đầy đủ về cơ hội đi làm việc ở nước ngoài để di cư an toàn.
Việc đáng tiếc xảy ra với anh Hùng không phải hiếm. Anh Nguyễn Đình Thưởng, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hải Dương, một trong những tỉnh có số lượng lao động đi xuất khẩu nước ngoài rất lớn cũng cho biết: “Thời gian qua, người lao động Hải Dương do thiếu thông tin nên bị bọn cò mồi, môi giới lợi dụng dẫn đến nhiều thiệt hại”.
Mỗi năm, bình quân Việt Nam có 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Một khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho thấy, có 90% lao động đi qua kênh các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động tuyển dụng. Trong đó có 40% là lao động chưa tốt nghiệp trung học phổ thông và 70% lao động là từ nông thôn. Trình độ thấp khiến cho người lao động không cập nhật được thông tin cần thiết là điều rất dễ hiểu. Qua khảo sát với 97 lao động Việt Nam đang làm việc ở Malaixia cho thấy, có tới 50% trong số đó lấy thông tin từ những lao động khác hoặc là từ những tổ chức phi chính phủ, chỉ có 10% lấy thông tin từ công đoàn.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cũng thừa nhận: Di cư ra nước ngoài tìm việc là cách để người lao động kiếm tiền giúp họ và gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên, khi di cư, họ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro và nguy cơ bị tổn thương.
Hỗ trợ lao động di cư an toàn
Khi xu hướng di cư ngày càng trở nên phổ biến hiện nay, việc hỗ trợ di cư an toàn cho người lao động là một việc làm cấp bách và cần thiết.
Ông Jobst Koehler, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế cho biết: Ngày nay trên thế giới cứ 7 người thì có 1 người di cư. Trong 30 năm tới, số người di cư sẽ tăng gấp đôi. Hiện nay có trên 500.000 người lao động Việt Nam di cư ở nước ngoài. Để tối đa hóa những lợi ích của di cư đối với lao động, bảo đảm an toàn và tạo ra việc làm bền vững của họ, cũng như đóng góp của họ đối với kinh tế đất nước, theo ông Jobst Koehler, người di cư phải được quyền tiếp cận đầy đủ thông tin về luật pháp nước đến, về rủi ro có thể gặp. Nếu sử dụng kênh di cư chính thống, hợp pháp, thì người lao động có thể được bảo vệ tốt hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, là một nước đưa nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam đang rất chú trọng việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua hoàn thiện luật pháp và triển khai nhiều giải pháp và chương trình cụ thể để thực hiện nội dung này.
Đặc biệt, Bộ đang hợp tác với IOM triển khai Dự án thúc đẩy di cư an toàn từ Việt Nam qua việc thí điểm thành lập một văn phòng thông tin di cư (MRC) và đã triển khai từ tháng 5/2012. “Hoạt động này do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tổ chức nhằm xây dựng chương trình di cư an toàn trên cơ sở nâng cao nhận thức và năng lực tự bảo vệ của người lao động. Quan trọng hơn cả là giúp người lao động có thể lường trước những nguy cơ rủi ro”, ông Hòa nói.
Với hoạt động chính là tư vấn và truyền thông, MRC sẽ cung cấp cho lao động những thông tin chính xác và dịch vụ thuận tiện để di cư hợp pháp và an toàn từ Việt Nam đến các thị trường lao động trên thế giới. Điều này sẽ giúp người lao động sớm thích nghi với môi trường làm việc mới. Nhưng quan trọng hơn cả, lao động có thể nhận biết và lường được các rủi ro có thể gặp.
Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), lao động nông thôn có thể truy cập rất đơn giản vào trang Web MRC. Tại đây, họ được tiếp cận nhiều thông tin về pháp luật, văn hóa… của nước tiếp nhận. MRC cũng sẽ giúp người lao động hiểu kỹ về quyền lợi và nghĩa vụ trước khi họ đi một nước nào làm việc, để họ tránh được rủi ro.
Bài và ảnh: Mạnh Minh
Báo Tin Tức
Bình luận (0)