Sáng 10-5, một công nhân khi leo trên tầng 4 căn nhà trên đường Trần Xuân Hòa (quận 5, TPHCM) để vệ sinh máy lạnh đã bị rơi từ độ cao hơn 15m xuống đất chết thảm. Trước đó, hàng loạt vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khác cho thấy tình trạng thiếu an toàn lao động đã đến mức báo động.
Những tai nạn bi thảm
Theo thống kê của Cục An toàn lao động, trong năm 2012 cả nước xảy ra gần 6.800 vụ TNLĐ, làm 6.967 người bị nạn, trong đó có 606 người chết và 1.470 người bị thương nặng, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng và chi phí bồi thường 82,6 tỷ đồng. TPHCM đứng đầu với 1.568 vụ TNLĐ (chiếm khoảng 1/4 số vụ TNLĐ cả nước), làm 98 người chết.
Từ đầu năm 2013 đến nay, tại TPHCM nói riêng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNLĐ dẫn đến chết người. Vào sáng 2-5, tại cơ sở sản xuất bù lon Lâm Hiệp (phường 5, quận 10, TPHCM) xảy ra vụ TNLĐ khiến một công nhân 17 tuổi bị cửa thang máy kẹp đầu chết tại chỗ. Cuối tháng 4-2013, xảy ra vụ 3 người cùng chết ngạt tại hồ xử lý nước thải Công ty thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, TPHCM) khi không có bảo hộ lao động, bị rơi xuống hồ chứa nhiều hóa chất. Trước đó vào đêm 11-3, nhân viên bảo vệ xưởng tại một xưởng tái chế giấy ở đường Vườn Thơm (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM) chết thảm do bị máy nghiền giấy xay nát. Vào ngày 8-1-2013, xảy ra vụ TNLĐ sập giàn giáo tại công trình xây dựng cao ốc văn phòng tại 62-64 Nguyễn Biểu (quận 5, TPHCM) làm 1 người chết, 7 người bị thương…
Thi công lao động thiếu an toàn. Ảnh: ANH TUẤN
Chưa nghiêm túc truy cứu trách nhiệm
Trong số 552 vụ TNLĐ chết người xảy ra trong năm 2012, Bộ LĐTB-XH chỉ nhận được biên bản điều tra 149 vụ và rồi cũng chỉ có 2 trường hợp người sử dụng lao động bị truy tố do vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về an toàn lao động để xảy ra TNLĐ. Trong khi số vụ TNLĐ ngày càng gia tăng, chính quyền, các ngành chức năng lại chưa quan tâm thực hiện các giải pháp căn cơ như tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành an toàn lao động cho doanh nghiệp; chưa kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp không chấp hành việc bảo đảm an toàn lao động cho công nhân.
Theo Nghị định 47 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về vi phạm pháp luật lao động, người sử dụng lao động và người lao động sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng nếu có những vi phạm trong sử dụng lao động và trong lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn bị nêu tên trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, mức xử phạt 30 triệu đồng với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mới chỉ đủ cảnh cáo, còn với các doanh nghiệp lớn lại quá nhẹ, chưa đủ răn đe. Vì vậy, nhiều chủ doanh nghiệp dù biết mình đã vi phạm các quy định về an toàn lao động nhưng vẫn chấp nhận đi nộp phạt chứ không chịu đầu tư kinh phí để đổi mới trang thiết bị, máy móc và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động theo đúng quy định pháp luật.
Thực tế cho thấy hầu hết các vụ TNLĐ xảy ra trên công trường đều không được đơn vị thi công, hay chủ đầu tư khai báo. Khi sự việc vỡ lở, lực lượng chức năng mới được báo cáo, nhưng ở một mức độ rất hạn chế so với thực tế. Điều đáng nói, công tác bảo hộ cho người lao động chỉ nặng tính hình thức, khi có đợt thanh tra lao động đến thì doanh nghiệp mới lo trang bị bảo hộ chiếu lệ. Để giảm và tránh các vụ TNLĐ, cả người lao động và sử dụng lao động cần phải có sự đồng thuận và nghiêm túc trong việc thực hiện các biện pháp an toàn khi lao động.
ANH TUẤN (SGGP)
Bình luận (0)