Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thiếu i-ốt: SOS

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu không được bổ sung đầy đủ i-ốt, học sinh sẽ học tập kém.  Ảnh: H.TR

Mới đây, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng thu nhận i-ốt tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam. TS. Lương Ngọc Khuê – Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu: “Hội nghị là một hồi chuông cảnh báo về sự quay trở của việc thiếu i-ốt ở nước ta”…
Chỉ còn 60% người dân sử dụng i-ốt
Ths. Nguyễn Minh Hùng – Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: “I-ốt là một vi chất dinh dưỡng, mặc dù chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Thiếu i-ốt có thể dẫn tới bướu cổ, đần độn, giảm sức lao động. Đặc biệt, thiếu i-ốt ở học sinh sức học sẽ giảm sút, chỉ số IQ giảm từ 13-25 điểm; ở phụ nữ mang thai rất dễ sẩy thai, bào thai phát triển không bình thường…”.
Ở Việt Nam, một nghiên cứu của Tổ chức UNICEF năm 1993 cho thấy có 22,4% trẻ em từ 8 -12 tuổi bị bướu cổ, 94% dân số sống trong vùng thiếu hụt i-ốt. Theo đó, năm 1995, Dự án Phòng chống bướu cổ được thành lập và triển khai trên toàn quốc với nhiệm vụ vận động toàn dân mua, sử dụng muối i-ốt. Sau 10 năm triển khai, số trẻ em mắc bướu cổ giảm xuống còn 3,6%; độ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt 93,1%. Việt Nam đã cơ bản giải quyết được tình trạng việc thiếu i-ốt trầm trọng.
Năm 2006, Dự án phòng chống bướu cổ không còn là dự án mục tiêu Quốc gia. Do đó nguồn kinh phí Trung ương chi cho hoạt động này cũng bị cắt giảm nghiêm trọng. Thậm chí có địa phương mỗi năm chỉ có 15 – 16 triệu đồng dành cho hoạt động phòng chống bướu cổ. Hậu quả là nước ta quay trở lại thời kỳ thiếu i-ốt.
Từ tháng 9 đến 11-2008, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp với tổ chức UNICEF đã tiến hành điều tra việc sử dụng i-ốt của người dân tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và TP.HCM. Kết quả cho thấy một bức tranh ảm đảm về sự thiếu hụt i-ốt, đặc biệt là TP.HCM. Độ bao phủ muối i-ốt giảm khá mạnh, từ 88,8% vào năm 2005 xuống còn 70,8% năm 2008. Trong đó, TP.HCM chỉ còn 54,2%. Tỷ lệ người dân trong cả nước sử dụng muối i-ốt giảm từ 87,7% (năm 2005) xuống còn 60% (năm 2008). Đặc biệt ở TP.HCM giảm từ 95% (năm 2005) xuống 56% (năm 2008).
Thay đổi thói quen ăn uống của người dân
Bà Marjatta Tolvanen, đại diện Tổ chức UNICEF cho biết: “Không như những bệnh tật khác là xuất hiện các triệu chứng ngay khi phát bệnh, bệnh do thiếu i-ốt thường tiềm ẩn và khi biểu hiện ra ngoài thì đã quá muộn. Thiếu i-ốt không chỉ gây bướu cổ, đần độn mà nghiêm trọng hơn là gây ra tình trạng tổn thương không hồi phục của hệ thần kinh trung ương”.
Song, làm sao có thể dàn trải trong mỗi bữa ăn hàng ngày khi “Có đến 90% người dân thành phố không ăn sáng, 60- 70% không ăn trưa và 40% không ăn tối ở nhà. Trong khi đó các tiệm ăn lại không sử dụng muối i-ốt khi chế biến thức ăn. Mặt khác, khá nhiều người dân có thói quen sử dụng nước mắm, nước tương và bột nêm thay cho việc sử dụng muối i-ốt”, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM tâm tư.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp – Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho rằng: “Chúng ta không thể chỉ sử dụng muối là thứ duy nhất mang i-ốt mà cần bổ sung i-ốt vào bột nêm, nước mắm vá các loại nước chấm. Nhưng quan trọng hơn vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, không chỉ tuyên truyền trong cộng đồng mà phải chú trọng tuyên truyền trong trường học. Làm sao để các bếp ăn trong trường học phải sử dụng muối i-ốt, giáo viên giáo dục cho học sinh về lợi ích khi cơ thể được bổ sung đủ lượng i-ốt cũng như tác hại khi thiếu hụt i-ốt. Học sinh về nhà nói với ba, mẹ thì người dân sẽ tích cực sử dụng i-ốt”…
Kim Anh

Bình luận (0)