Ngò còn được gọi là rau thơm, người ta cho rằng người Ai Cập vào 5.000 năm trước Công nguyên đã bắt đầu dùng rau thơm. Rau thơm đến châu Mỹ vào khoảng năm 1670, khi ấy chỉ dùng làm hương liệu, cũng là một trong những hương liệu được dùng sớm nhất của người châu Âu di cư. Người La Mã mang rau thơm từ Ai Cập đến tây Âu. Người châu Âu thường dùng lá và hạt ngò để “lấp” đi mùi của thịt, cho đến nay hạt ngò vẫn thường xuyên kèm trong các loại xúc xích. Trước đây người ta dùng hạt ngò tán bột pha vào rượu uống tại các đám cưới, hiện nay bột ngò vẫn thường sử dụng pha chế rượu cocktail hay cà phê kiểu Thái.
Ngò giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều Ca, Zn, K, vitamin A và C… giúp lợi tiểu, duy trì hàm lượng đường huyết cũng như ngăn ngừa ung thư. Đông y cho rằng ngò có vị cay, tính ấm, đi vào kinh phế và vị giúp làm ra mồ hôi, trừ ban tiêu thực hạ khí, thúc đẩy máu tuần hoàn. Sách “Bản thảo cương mục” ghi nhận ngò có hương thơm thông từ tâm tỳ bên trong cho đến tứ chi bên ngoài. Hương thơm từ ngò công hiệu kiện tỳ, khu phong giải độc giải cảm. Trên lâm sàn, ngò thường dùng để chữa phát sốt, đau đầu, thực tích (ăn không tiêu).
Chữa bệnh từ ngò
Cảm nhẹ nghẹt mũi: ngò 30g, gừng tươi 3 lát, đầu hành 3 cọng, sắc uống.
Hiếm muộn hay thiếu sữa sau sinh: ngò 150g, đường đen 50g, sắc uống.
Suy nhược thần kinh: hạt ngò tán mịn, mỗi lần dùng 1g uống với nước nấu ngò.
tỳ vị hư hàn (suy chức năng tiêu hóa do lạnh): ngò phơi khô 100g ngâm với 1 lít rượu vang, ngâm 15 ngày thì uống.
Nhức răng: có thể dùng hạt ngò nấu nước, bỏ bã, lấy nước ngậm rồi phun ra nhiều lần, có tác dụng làm giảm cơn đau.
Bệnh trĩ: hạt ngò rang chín tán mịn, hòa uống với rượu cần, mỗi lần 25g.
Trĩ ra máu: hạt ngò rang chín hòa uống với rượu nếp, mỗi lần 20g ngày 2 lần.
Đau dạ dày do ăn không tiêu: ngò tươi 150g, rửa sạch giã rồi vắt lấy nước hay thêm 1 muỗng canh nước vắt củ cải uống ngay, đối với người cao tuổi đau dạ dày kèm có ớn lạnh thường dùng 1-2 lần hiệu quả rất tốt.
Kiết lỵ: hạt ngò giã nhuyễn, nuốt uống với đường đen lúc bụng đói, mỗi lần 10g, ngày 3 lần.
Cảm nhẹ, chán ăn, trẻ nổi ban: ngò thơm vừa đủ, sắc uống.
Giun chui ống mật: hạt ngò 50g giã nhuyễn, thêm nước 300ml, nấu đặc còn 80ml, lấy nước uống ngay, trẻ 5 tuổi giảm còn 1/2 liều.
Xóa tan vết mụn “cứng đầu”: ngò tươi vừa đủ, cánh hoa hồng tươi vừa đủ, giã nhuyễn vắt lấy nước cốt rửa mặt buổi sáng. Buổi tối đi ngủ xoa đều để khô rồi xoa 2-3 lần, sáng rửa sạch.
Ban sởi:
– Ngò 0,5g, nước 400ml, sau khi nấu sôi, hai dạo, trước tiên lấy hơi nóng để xông, sau đó lấy nước rửa tay chân, có thể giúp ban sởi mọc ra hết.
– Ngò có cả rễ 5 bó, củ năng 3 quả, tử thảo 3g, sắc nấu sau 15 phút, lọc lấy nước, chia 2 lần uống. Ung khi ban sởi sắp mọc, có thể phòng ngừa các biến chứng.
Tiểu tiện không thông: ngò 15g, thêm 200ml nước, sắc còn 100ml cho vào ít bột thạch cao chia uống 2 lần trong ngày, thường dùng 3 ngày thấy hiệu quả.
Món thơm ngon với ngò
Ngò chứa nhiều tinh dầu, mùi thơm đặc trưng xuất phát từ tinh dầu, có tác dụng khử mùi tanh cá, thịt, do vậy, khi chế biến món ăn thêm một ít rau thơm, có tác dụng khử tanh, thêm mùi vị là món rau kèm thường dùng trên bàn tiệc.
Trong nấu ăn, ngò là món giúp khai vị nhưng nó không chịu nhiệt nên không thể xào cũng không thể nấu mà xắt nhuyễn rồi rắc lên mặt các món ăn vừa đẹp mắt vừa tạo mùi thơm quyến rũ. Tuy vậy, ngò còn có thể cùng ớt, giấm, muối… để làm món nguội, món gỏi… với mùi thơm giúp kiện tỳ tiêu thực. Các món ăn vào mùa lạnh như rau thơm nấu thịt dê, thịt bò đều tạo cảm giác ăn ngon, ngò còn là thức ăn tốt để bồi bổ cường thân, tán hàn khu phong.
Canh ngò nấu đầu hành: đầu hành 15g, ngò 15g, rửa sạch nấu canh. Công hiệu giải biểu tán hàn, thích hợp dùng cho cảm phong hàn (do lạnh).
Chè ngò: ngò 50g, gạo 50g, đường đen một ít. Ngò rửa sạch, xắt nhuyễn sử dụng sau. gạo, đường đen cho vào nồi, thêm nước nấu, sau khi chín bỏ ngò vào cho sôi một lát thì hoàn tất. Công hiệu gây ra mồ hôi, tiêu thực hạ khí.
Canh ngò nấu trứng cút: ngò 50g, trứng cút 12 quả, nước lèo “xí quách” một lít, bột nêm, rượu vừa đủ. nước “xí quách” nấu sôi, trứng cút lột vỏ bỏ vào trong canh, khi sôi thêm ngò, cho sôi một lát, bỏ bột nêm và rượu vào. Dùng thường xuyên có tác dụng điều trị chứng liệt dương, lãnh cảm.
Canh ngò nấu giò heo: ngò 30g, giò heo 250g. Giò heo chặt làm đôi, rồi chặt lát, thêm nước vừa đủ để nấu, nêm ít muối chờ khi chín, thêm ngò, lửa nhỏ nấu sơ, ăn liền vài lần. Công hiệu bổ hư ích huyết, kiện vị khu phong, dùng chữa các chứng suy nhược, phát ban, chán ăn, ăn không ngon miệng…
Canh ngò nấu thịt bò: ngò 30g, thịt bò 200g. Thịt bò cắt lát nhỏ, thêm rượu nếp vừa đủ để điều vị, sau khi nấu chín thêm ngò nhuyễn, lại nấu sôi với lửa mạnh, sau cùng bỏ ít bột nêm thì dùng, ăn thường xuyên. Công hiệu bồi bổ cơ thể, trừ thủy thủng, thông thoát khí ứ trong ruột già và ruột non…
Nước nấu ngò: ngò 0,5g, thêm 2 lít nước nấu sôi, dùng xông hơi, chờ ấm để tắm, giúp trị ban sởi không mọc hết. Mặt khác, có thể lấy nước ngò 200ml để uống, giúp giải độc từ thịt, cá.
Rượu ngò: ngò 60g (xắt nhuyễn), rượu 150ml, cùng nấu sôi, khi nguội, bỏ bã, phun lên vùng tứ chi, ngực bụng, có thể giúp trẻ ban sởi mọc nhanh.
Lương y Nguyễn Công Đức
(Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP.HCM)
Bình luận (0)