Tình hình kinh tế khó khăn khiến một bộ phận nhân lực làm quản lý cũng rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm ưng ý.
Nhiều người lao động và cán bộ quản lý tham dự ngày Nhân sự Việt Nam hằng năm. Ảnh: Như Lịch. |
50% dịch chuyển thất nghiệp tạm thời
Cần khoảng 30.000 lao động
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự kiến trong tháng 6, TP.HCM cần khoảng 30.000 lao động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 40%, trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề 15%, trung cấp 20%, cao đẳng – đại học – trên đại học 25%.
|
“Rớt” từ chức vụ phó phòng quản lý nguồn nhân lực trong hệ thống một tập đoàn nổi tiếng xuống vị trí chuyên viên tuyển dụng ở một công ty điện thoại di động, mức thu nhập hằng tháng giảm 1/3 so với trước. Đó là tình cảnh của anh Nguyễn Công Phú (32 tuổi, ngụ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM). Tuy vậy, anh Phú tỏ ra thức thời: “Đây là một sự đi xuống, có ảnh hưởng nhiều về kinh tế gia đình lẫn tâm lý nhưng tôi vẫn phải chấp nhận. Tôi nghĩ rằng, những mục tiêu và con đường mình chọn không phải lúc nào cũng đạt được ngay, mà còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Quan trọng là mình vẫn đảm bảo để lộ trình dài không bị đứt đoạn”. Anh Phú nhắn nhủ: “Tôi từng nhảy việc nhiều lần nhưng thất bại. Từ đó, tôi rút ra rằng, thời buổi bây giờ đừng đòi hỏi cao siêu quá. Mình nên bằng lòng với công việc đang có, cho dù lương có thấp hơn nhưng môi trường ổn định hơn”.
“Trong tổng số lao động chất lượng cao, kể cả những người làm quản lý có sự dịch chuyển việc làm thì chỉ khoảng 30% tìm được việc làm tốt hơn, 20% đã tự tạo việc làm. 50% còn lại đang trong tình trạng thất nghiệp tạm thời hoặc tìm việc làm có mức thu nhập thấp hơn” – ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đưa ra nhận xét về kết quả khảo sát nhu cầu việc làm tại TP.HCM trong 5 tháng đầu năm 2013.
Trong khi đó, ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc kinh doanh toàn quốc của VietnamWorks, cho biết: "Nguồn cung nhân lực trực tuyến, tức số lượng hồ sơ nộp đơn xin việc trong quý 1/2013 có giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, người lao động có xu hướng hạn chế thay đổi công việc hơn".
PGS-TS Lê Quân, Trưởng ban tổ chức cán bộ ĐH Quốc gia Hà Nội kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự Việt Nam, nhận định trong giai đoạn này, doanh nghiệp và xã hội tuyển dụng nhân sự trung, cao cấp dễ dàng hơn. Đó là do ở thị trường cung, nhiều người có nhu cầu tìm việc làm mới. PGS-TS Lê Quân lưu ý: “Tuy dễ tuyển nhưng cuộc khủng hoảng với bài toán giữ người và bài toán giữ được cam kết hay không lại là một chuyện khác”. PGS-TS Lê Quân chia sẻ thêm: “Cá nhân tôi khi gặp những câu hỏi nhờ tư vấn có nên nhảy việc lúc này không, tôi vẫn thường nói nếu bạn thích vất vả thì chuyển. Vất vả đây có nghĩa, những nơi cần cán bộ quản lý thường đang có một sức ép lớn, chứ không như lúc thuận sang chỗ mới dễ hơn”.
Luân chuyển và đa năng
PGS-TS Lê Quân ví doanh nghiệp như một cơ thể sống. Sự luân chuyển nhân sự cũng như dòng máu luân chuyển trong cơ thể đó. Nhờ luân chuyển mà có những cán bộ quản lý am hiểu tổng thể và có nhiều năng lực, tham gia giải quyết được rất nhiều vấn đề. “Cán bộ trung cao cấp đương nhiên phải luân chuyển, đặc biệt là trong thời điểm nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc, sắp xếp lại như hiện nay. Trước yêu cầu luân chuyển, mỗi cá nhân cần có thái độ tích cực. Những cá nhân nào không tích cực thì sẽ bị quăng ra khỏi cuộc chơi”, PGS-TS Lê Quân nhấn mạnh.
Sau 3 lần nhảy việc, anh Trần Đình Huyền mới tìm được chỗ làm “ưng ý” với vị trí Trưởng phòng hành chính nhân sự trong một tập đoàn về dịch vụ nhà hàng cao cấp – giải trí. Hỏi anh có phải nhờ… gặp may, anh Huyền phản đối: “Đó là do nỗ lực của mỗi người. Mình phải tìm hiểu nhiều kênh thông tin để lựa chọn và biết nắm bắt khi thời cơ đến”.
Ông Nguyễn Tử Anh, Giám đốc điều hành Công ty truyền thông Nexus, nhận xét: “Quan sát từ bạn bè, những người xung quanh, tôi thấy trong số 100 người nhảy việc thì chỉ có khoảng 10% tìm được chỗ ngon lành, còn 90% đi vào chỗ “cay đắng” hơn mà thôi”. Ông Tử Anh nêu ý kiến: “Đồng ý là họ giỏi, nhưng họ không chịu nhìn vào thực tế, không biết chia sẻ với doanh nghiệp. Họ cứ nghĩ là mình luôn xứng đáng nhận những điều kiện và lương bổng tốt, bất kể tình hình kinh tế khó khăn”.
Theo đại diện mạng việc làm và tuyển dụng VietnamWorks, thực tế cho thấy dù kinh tế có khủng hoảng hay không thì nhu cầu của doanh nghiệp đối với người tài vẫn thực sự không có biến chuyển lớn. Vị này cho rằng, trong thời kỳ khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt hàng loạt khó khăn về nợ xấu, nợ ngân hàng, đầu ra của sản phẩm. Hơn ai hết, những doanh nghiệp này rất cần những người có khả năng lãnh đạo giúp họ lèo lái con thuyền vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển. Thế nên, đây cũng chính là thời điểm đem lại nhiều cơ hội tốt cho lớp nhân sự cấp cao.
Theo Như Lịch
Thanh Niên
Thanh Niên
Bình luận (0)