Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nâng cao đời sống nhờ lục bình

Tạp Chí Giáo Dục

Hợp tác xã Kim Ngân ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, chuyên sản xuất các sản phẩm làm từ lục bình không những có thị trường tiêu thụ ở một số nước mà còn tạo việc làm cho trên 500 lao động, góp phần nâng cao đời sống của các hộ nghèo nông thôn.

Năm 2009, ông Hồ Văn Út nhận thấy tại địa phương có rất nhiều lục bình, là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trong khi đó nhiều lao động nông thôn đã qua các lớp đào tạo nghề đan lát nhưng không kiếm được việc làm. Từ những điều kiện này, ông Út đã quyết định thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và tạo việc làm cho người dân.


Sản phẩm từ lục bình. Ảnh: truyenhinhhaugiang.vn

Ông Hồ Văn Út cho biết: "Điều khó khăn ban đầu của Hợp tác xã là mẫu mã sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Tôi đã đi một số nơi để nghiên cứu mẫu sản phẩm và liên hệ với các công ty tiêu thụ, sau đó công ty Kiên Trường Thịnh ở tỉnh Long An đã nhận bao tiêu sản phẩm của Hợp tác xã với những mẫu mã do công ty đưa ra. Dần dần một số thương lái cũng đã tìm đến Hợp tác xã để đặt hàng bán ở các thành phố lớn".
Phần lớn sản phẩm làm từ lục bình do Hợp tác xã làm ra được xuất khẩu ở thị trường các nước như Mỹ, Hà Lan và một số nước châu Á nên người làm sản phẩm đều là lao động đã qua các lớp đào tạo nghề nông thôn về đan lát và có chứng chỉ sơ cấp nghề. Hợp tác xã hiện có 15 xã viên chuyên làm việc và kiểm tra sản phẩm và trên 500 hộ nhận hàng về làm tại nhà.
Các sản phẩm của Hợp tác xã chủ yếu là tủ, ghế, giỏ xách, hộp… đan từ lục bình phơi khô có khung sắt bên trong. Hàng tháng Hợp tác xã giao hàng cho Công ty Kiên Trường Thịnh và các thương lái rồi nhận mẫu mã mới, các khung sản phẩm về giao cho các hộ gia công. Nguyên liệu sản phẩm là lục bình được người dân khai thác từ nguồn tự nhiên trên các sông, kênh, rạch hoặc tự trồng.
Hợp tác xã cũng đã ký hợp đồng bao tiêu lục bình với gần 200 hộ để làm nguồn nguyên liệu cho sản phẩm, ngoài ra còn bán nguyên liệu lục bình cho một số nơi. Mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp cho Công ty và thương lái khoảng 40.000 đến 50.000 sản phẩm các loại với số tiền gần 500 triệu đồng. Mỗi xã viên và hộ gia đình nhận gia công sản phẩm có thu nhập từ khoảng 3-5 triệu đồng/tháng. Đây là một khoảng thu nhập không nhỏ đối với người lao động ở vùng nông thôn.
Ông Hồ Văn Út chia sẻ: Những người học các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn về đan lát đều được Hợp tác xã hướng dẫn làm các mẫu sản phẩm rồi cho nhận khung mẫu, nguyên liệu để làm việc tại nhà. Vì vậy người lao động có thể chủ động trong việc trồng trọt, chăn nuôi tại nhà và đan sản phẩm lúc rảnh rỗi.

Hiện người làm việc cho Hợp tác xã có ở hầu hết các xã trong huyện Long Mỹ, trong đó có nhiều hộ ở các xã nghèo như Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Xà Phiên, và có khoảng 60 hộ dân tộc Khơmer nhận sản phẩm về làm tại nhà. Phần lớn nguồn thu nhập từ việc gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình đã giúp các hộ có đời sống ổn định và thu nhập khá hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, một số gia đình khai thác hoặc trồng lục bình bán cho Hợp tác xã cũng có một nguồn thu nhập ổn định.
Hợp tác xã Kim Ngân hiện có nhà xưởng, các kho chứa nguyên liệu, sản phẩm và xe tải để vận chuyển hàng nên trong thời gian tới sẽ đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị nhằm hoàn thiện sản phẩm như sấy khô, phủ dầu bóng…để nâng cao chất lượng sản phẩm và bán được giá hơn. Nguồn sản phẩm làm ra cũng chưa đáp ứng được như cầu tiêu thụ rất lớn của công ty và các thương lái nên Hợp tác xã sẽ tiếp tục nhận các lao động đã qua đào tạo nghề nông thôn vào làm việc.
Theo ông Hồng Xuân Bình, Trưởng Phòng dạy nghề thuộc Sở Lao động – Thương bình và Xã hội tỉnh Hậu Giang, Hợp tác xã Kim Ngân là một trong những nơi có nguồn sản phẩm có chất lượng cao, cung cấp cho thị trường với số lượng lớn. Bên cạnh đó, Hợp tác xã đã chủ động liên hệ với Trung tâm đào tạo nghề địa phương để nhận các lao động đã qua đào tạo, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao đông ở nông thôn.

Nguyễn Xuân Dự

Theo Tin tức

Bình luận (0)