Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Ông chủ cầm đục và dùi

Tạp Chí Giáo Dục

21 tuổi, Nguyễn Ngọc Hiệp, ở thôn 6, xã Hương An, H.Quế Sơn, Quảng Nam đã là chủ một cơ sở điêu khắc gỗ có doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ giỏi làm kinh tế từ khi còn rất trẻ, Hiệp còn là một “cây” hip hop có tiếng của địa phương.

Nhưng ít ai biết rằng, để được như hôm nay, Hiệp đã dành không ít công sức học nghề, nếm trải nhiều khó khăn. “Ngay từ khi mới học lớp 6, em đã yêu thích và đam mê nghề này nên cố gắng sắp xếp thời gian để có thể vừa đi học tại trường, vừa đi học nghề tại một cơ sở điêu khắc gỗ gần nhà. Đến năm lớp 10, khi buộc phải nghỉ học vì gia đình khó khăn, việc đầu tiên em nghĩ đến chính là cầm đục, cầm dùi…”, Hiệp mở đầu câu chuyện.

Nguyễn Ngọc Hiệp hướng dẫn các học viên thực hành nghề điêu khắc gỗ – Ảnh: Hoàng Sơn

Hiệp phải quyết định bỏ học vào năm 16 tuổi vì không muốn trở thành gánh nặng cho ba mẹ. Rời ghế nhà trường, Hiệp rong ruổi khắp nơi, thấy nơi nào có xưởng chạm khắc gỗ là Hiệp đánh liều vào xin học. Thế rồi, Hiệp được nhận vào học nghề tại xưởng mộc ở thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên. Gần 2 năm vừa học vừa làm ở đây, mỗi ngày Hiệp chỉ được trả công 20.000 đồng. Nhưng ngần ấy tiền đã là quý đối với cuộc sống vốn rất khó khăn của gia đình. Hiệp tiếp lời: “Khi đã thành nghề, em xin thầy được tách ra để mở xưởng chạm khắc gỗ gần nhà. Vay mượn được 15 triệu đồng làm vốn, em đầu tư vào mua đồ nghề, máy móc và thuê mặt bằng. Ban đầu, ai thuê làm cái gì em làm cái đó, công cán cũng kha khá”.

Nhờ năng khiếu sẵn có cộng với tính kiên nhẫn nên Hiệp được đánh giá là một tay thợ lành nghề khi còn rất trẻ. Khách đến với xưởng ngày một đông, trong đó có nhiều người tin tưởng đặt hàng Hiệp những bức tượng trị giá hàng chục triệu đồng. Tính ra mỗi tháng thu nhập của Hiệp không dưới 10 triệu đồng. Dành dụm được một khoản vốn, cách đây 1 năm Hiệp tiếp tục mở cơ sở điêu khắc gỗ mỹ nghệ Lạc Việt, chuyên nhận gia công nội thất đồ gỗ, làm hoành phi câu đối, tạc tượng và tranh gỗ… Quy mô xưởng lớn hơn đòi hỏi phải có thêm nhân công, Hiệp liền nghĩ cách “chiêu mộ” những thanh niên trong thôn xóm đang thiếu việc làm. Người đầu tiên được Hiệp truyền nghề giờ đã nhận được thù lao 6 triệu đồng/tháng. Hiện tại, “thầy” Hiệp đang tiếp tục đào tạo cho 6 lao động là những thanh niên bỏ học sớm, trong độ tuổi từ 14 – 18 tuổi.

Hiệp chia sẻ: “Cũng giống em cách đây 5 năm về trước, nhiều bạn trẻ tại địa phương vì hoàn cảnh mà bỏ học từ sớm. Cho nên, làm được gì cho các em là em sẵn sàng giúp. Từ khi trở thành thợ điêu khắc, em đã truyền nghề cho khoảng 10 người. Chỉ thêm vài tháng nữa, những thanh niên đang học tại xưởng em sẽ được trả công 2 triệu đồng/tháng. Cơ sở của em vẫn còn nhỏ, trong tương lai nếu có thêm vốn em sẽ mở rộng xưởng để có thể giúp thêm nhiều thanh niên khác”. Không chỉ giúp các thanh niên trong xóm có thêm công ăn việc làm, Hiệp còn truyền niềm say mê nghệ thuật cho các bạn trẻ thông qua môn nhảy hip hop. Nhìn bàn tay chai sần vì cầm đục, khuôn mặt lấm lem dính đầy mạt gỗ, ít ai nghĩ rằng Hiệp từng đạt nhiều thành tích về giải thưởng nhảy hip hop của khu vực miền Trung.

Hiệp là một trong 5 thanh niên xã Hương An sáng lập nhóm nhảy hip hop Overdose vào năm 2007. Là “chủ xị” của nhóm nhảy, Hiệp “dẫn quân” đi giao lưu, thi thố nhiều nơi. Năm 2011, nhóm Overdose đoạt giải nhất miền Trung – Tây nguyên cuộc thi “Bước nhảy xì tin”; năm 2012 đoạt giải 3 miền Trung – Tây nguyên cuộc thi “Vũ điệu xanh”… Ngoài ra, Hiệp còn tham gia các cuộc thi nhảy như: So you think you can dance, Viet Nam’s Got Talent…

Tháng 9 vừa qua, Hiệp nhận giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn trao tặng.

Hoàng Sơn (TNO)

Bình luận (0)