Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Mục tiêu giảm 100.000 công chức, viên chức: Nâng chất công chức chuyên nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, bộ máy chính quyền các cấp hiện nay vừa thừa những người không đủ tiêu chuẩn theo từng chức danh vừa thiếu người có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công vụ của nền hành chính công theo hướng gần dân, hiện đại.
Việc Bộ Nội vụ dự kiến từ nay đến năm 2020 tinh giảm 100.000 công chức, viên chức cho thấy đây là đợt tái cơ cấu nhân sự và nâng chất đội ngũ trong bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả hơn…
        Gần 30% công chức, viên chức không đạt chuẩn
Đó là số liệu trong các tài liệu nghiên cứu về chất lượng đội ngũ công chức, viên chức (CC-VC) của bộ máy chính quyền các cấp hiện nay, được nhiều cơ quan chuyên môn đưa ra. Đánh giá này dựa trên thực tế nhiều CC-VC mặc dù đã qua đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nhưng lại thiếu kỹ năng thực hành, thiếu tính linh hoạt trong xử lý công việc và đạo đức công vụ không phù hợp với phẩm chất, trách nhiệm và sự tận tụy phục vụ nhân dân. Những mặt hạn chế trên đã nảy sinh một bộ phận CC-VC có tên trong bộ máy nhưng thực chất như nhiều người thường nói “năng lực có hạn, thủ đoạn có thừa”. Trong những năm qua, các cấp chính quyền ở nhiều bộ ngành, địa phương đã đưa ra mục tiêu tinh giản đối tượng CC-VC này nhưng đều không đạt được kết quả mong muốn và thực tế trong bộ máy luôn thừa một số lượng lớn CC-VC không làm được việc.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đứng trước yêu cầu phát triển một đô thị hiện đại và trước mắt là xây dựng chính quyền đô thị, đội ngũ CC-VC hiện nay khó có thể đáp ứng được. Mặc dù trong những năm qua, TPHCM đã đầu tư rất lớn để nâng chất và lượng của đội ngũ CC-VC và qua thực tế đã có những chuyển biến rất tích cực, thế nhưng những tồn tại của nhiều năm trước để lại vẫn còn là lực cản khó khắc phục được một sớm một chiều. Cụ thể, đội ngũ lãnh đạo cấp trên và CC-VC thừa hành công vụ ở dưới chưa có những thay đổi về nhận thức theo hướng coi yếu tố kết quả “đầu ra” của từng chức danh công việc làm hàng đầu. Cộng với định chế quản lý, điều hành của từng đơn vị, từng ngành và địa phương chưa có sự thay đổi, đã tạo ra sức ỳ trong tổ chức bộ máy và trong đội ngũ CC-VC thực thi công vụ. Nếu thay đổi được nhận thức của cả hệ thống, cộng với hình thành được định chế quản lý coi trọng đầu ra (không quản lý đầu vào) của từng chức danh công việc trong bộ máy, chúng ta sẽ chuyển hướng được cách thức đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức một cách xác thực nhất. Từ đó có điều kiện sàng lọc, loại bỏ những người không làm được việc và khuyến khích, thúc đẩy quá trình tự điều chỉnh cả chất và lượng của đội ngũ CC-VC trước yêu cầu phát triển và hội nhập của nền hành chính công.
Mỗi năm Trường Cán bộ TPHCM đào tạo và đào tạo lại hàng ngàn công chức, viên chức cho bộ máy chính quyền các cấp.
        Giảm để “tinh”
Đó là yêu cầu của mục tiêu tinh giảm 100.000 CC-VC được Bộ Nội vụ đặt ra từ nay đến hết năm 2020. Cơ sở của mục tiêu này được chọn ra từ kết quả sau 4 năm thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP ngày 8-8-2007 của Chính phủ về chính sách tinh giảm biên chế. Thực hiện chính sách này đã có 67.000 công chức, viên chức (mỗi năm giảm 17.000) bị loại ra khỏi bộ máy. Câu hỏi được đặt ra là, sau kết quả này, đội ngũ CC-VC trong bộ máy chính quyền các cấp hiện nay đã tinh chưa? Câu trả lời là chưa. Chính vì vậy, lần tinh giảm này, trong 6 năm tới, Bộ Nội vụ dự kiến phải giảm 100.000 người (trung bình mỗi năm giảm 20.000 người). Con số này là khả thi. Song để mục tiêu “tinh” đạt được, nhiều chuyên gia nhận định sẽ rất khó khăn.
Theo Trường Cán bộ TPHCM, quy trình thi tuyển CC-VC những năm qua được thực hiện nghiêm túc và trên thực tế, mỗi năm TP đáp ứng được hàng ngàn CC-VC đủ trình độ, năng lực cho bộ máy chính quyền các cấp. Dù tiêu chuẩn đầu vào có đúng với yêu cầu tuyển dụng, song trước khi được sử dụng, từng chức danh của CC-VC đều phải qua khâu đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Ví dụ, cử nhân luật được đào tạo chuyên môn về văn phòng, nhân sự để bố trí làm tư pháp, pháp chế; cử nhân kinh tế đào tạo về quản lý nhà nước để làm chuyên viên kế hoạch, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường… Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sử dụng, nhiều chức danh trên bị xáo trộn do yêu cầu sắp xếp, bố trí ở các cơ quan, đơn vị. Nhiều người đã không đáp ứng được yêu cầu công việc mới, trở thành CC-VC không “tinh”. 
Theo số liệu của Sở Nội vụ TPHCM, mỗi năm ngân sách nhà nước bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu sắp xếp của bộ máy. Sẽ là rất lãng phí nếu chúng ta sử dụng không đúng và khi tinh giảm lại giảm không đúng người, nếu vậy, đội ngũ CC-VC trong bộ máy chính quyền các cấp còn rất lâu mới đạt được yêu cầu “tinh”.
Thái độ phục vụ của CC-VC trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa được chấp hành nghiêm, còn né tránh, sợ trách nhiệm, thờ ơ trước những bức xúc của dân. Năng lực, trình độ của đội ngũ còn chưa đồng đều, có nơi còn yếu, nhất là yếu về năng lực làm việc trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và năng lực tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình thực thi công vụ…
(Nguồn: UBND TPHCM)
 
Theo SGGP
 

Bình luận (0)