Trong xu hướng hội nhập toàn cầu hnhư iện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn.
Ở Việt Nam, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 90%) dẫn tới việc xử lý và quản lý chất thải vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương do còn thiếu quy hoạch chăn nuôi đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc nghiên cứu, sản xuất những chế phẩm sinh học phù hợp với thị trường Việt Nam và ứng dụng rộng rãi tại các hộ chăn nuôi được coi là một phần quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Đối mặt với ô nhiễm môi trường
Ngành chăn nuôi truyền thống của Việt Nam thực hiện phương pháp để gia súc giẫm đạp trên cây cỏ làm phân chuồng. Song phương pháp truyền thống này đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến vật nuôi, người chăn nuôi và môi trường. Những đối tượng này thường xuyên chịu ảnh hưởng của mùi hôi, khí độc và ruồi muỗi; phát sinh dịch bệnh do chi phí thuốc thú y lớn, lạm dụng thuốc kháng sinh; động vật nuôi chậm lớn, chi phí thức ăn cao; hiệu quả kinh tế thấp, chất lượng thịt kém, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Theo Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm, ngành chăn nuôi gia súc gia cầm thải ra khoảng 75-85 triệu tấn chất thải. Các chất thải này thường xuyên không được xử lý ổn định. Nước thải không qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện cả nước có trên 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đìnhvà gần 20 nghìn trang trại chăn nuôi tập trung, nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10%. Vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài…gây sức ép đến môi trường.
Số liệu từ Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy: Nồng độ khí H2S và NH3 (hai chất khí thải độc trong môi trường) trong chất thải chăn nuôi cao hơn mức cho phép khoảng 30-40 lần, gây mùi hôi thối rất khó chịu. Tổng số vi sinh vật và bào tử nấm cũng cao hơn mức cho phép rất nhiều lần. Ngoài ra nước thải chăn nuôi còn chứa các vi khuẩn Coliform, E.coli, COD… và trứng giun sán cao hơn rất nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Chất thải chăn nuôi cũng tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh về hô hấp, tiêu hóa, do trong chất thải chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới -WHO đã cảnh báo, nếu không có biện pháp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi một cách thỏa đáng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, vật nuôi và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đặc biệt, ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi còn làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi như: dịch lở mồm long móng trên gia súc đã diễn ra thường xuyên và đến nay chưa được khống chế triệt để; dịch cúm gia cầm đã bùng phát (2003), hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (dịch bệnh tai xanh ở lợn) đã gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi và thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Giải pháp tối ưu cho ngành chăn nuôi
Trước thực trạng trên, rất nhiều hướng giải pháp, công nghệ đã được các nhà khoa học Việt Nam tìm hiểu nghiên cứu và đưa vào ứng dụng nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi như xây dựng Công trình khí sinh học – Hầm Biogas, công nghệ đệm lót sinh học, công nghệ ấu trùng ruồi đen và công nghệ giun đất… Đến nay, công nghệ đệm lót sinh học đang được coi là một giải pháp hữu hiệu hơn cả do có những ưu điểm nổi bật.
Đệm lót sinh học là một lớp đệm dày khoảng 50 cm bao gồm trấu và rơm cắt nhỏ, cám gạo…được trộn với chế phẩm sinh học có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu trong chuồng trại, hình thành một lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn bệnh và ký sinh trùng, loại bỏ ruồi muỗi, không mùi hôi, tạo nguồn phân hữu cơ cho cây trồng.
Tại Hội thảo khoa học “Công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi và xử lý môi trường nông thôn” do Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), phối hợp một số đơn vị tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội, Giáo sư Tiến sỹ Phạm Văn Ty, nguyên Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đánh giá: Chăn nuôi gia súc gia cầm sử dụng đệm lót sinh học giúp chuồng trại không có mùi hôi, không phát thải, không ô nhiễm do hầu hết phân và nước tiểu của vật nuôi đều bị hút xuống lớp lót và được các vi khuẩn có lợi trong lớp lót phân giải.
Bên cạnh đó, lớp đệm lót sinh học còn có một số tính năng, như tiết kiệm thức ăn do tỷ lệ hấp thụ tiêu hóa thức ăn được nâng cao từ đó giảm dư lượng hoóc môn, nâng cao chất lượng thịt; tiết kiệm sức lao động, nước, chi phí gia nhiệt. Ngoài ra, đệm lót sinh học còn được dùng trong xử lý rác thải thành phố, nông thôn, làng nghề làm phân bón hữu cơ, giải quyết ô nhiễm môi trường; xử lý bã thải của các nhà máy lương thực, thực phẩm, nhà máy chế biến thủy, hải sản, xử lý nước thải…Giáo sư Tiến sỹ Phạm Văn Ty cũng giới thiệu với các đại biểu tham dự sản phẩm Chế phẩm sinh học Emuniv. Đây là sản phẩm thuộc đề tài cấp Nhà nước, thuộc Chương trình Công nghệ sinh học và Chương trình Khoa học và Công nghệ, là đề tài trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị chủ quản.
Với những ưu điểm nổi trội trong xử lý ô nhiễm môi trường, phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học còn được gọi là: Phương pháp chăn nuôi không chất thải, phương pháp chăn nuôi tự nhiên, phương pháp chăn nuôi sinh thái.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay tỉnh Hà Nam đứng đầu cả nước về số lượng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên đệm lót sinh học. Từ năm 2010 đến tháng 4/2013, Hà Nam đã xây dựng được 1.120 mô hình với tổng diện tích đệm lót sinh học là 17.750 m2 cho chăn nuôi lợn. Hiện tỉnh hỗ trợ 100% chi phí làm đệm lót cho các hộ chăn nuôi áp dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học với mức 165.000 đồng/m2 đối với các hộ làm từ 10m2 trở lên và nuôi từ 5-10 con trên một lứa. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn về quy trình, kỹ thuật đối với các hộ nuôi.
Với tốc độ phát triển mạnh của ngành Chăn nuôi như hiện nay, ngành Tài nguyên và Môi trường dự báo đến năm 2020, lượng chất thải rắn trong chăn nuôi phát sinh khoảng 1.212.000 tấn/năm, tăng 14,05% so với năm 2010. Để phát triển bền vững và đảm bảo môi trường tại các trang trại, gia trại, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ chăn nuôi quy mô lớn đầu tư xây dựng mô hình xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại, nhân rộng những giải pháp hiệu quả cho các trang trại chăn nuôi trên cả nước./.
Thu Phương
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)