Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cẩn thận với thực phẩm giàu đường

Tạp Chí Giáo Dục

Một cái bánh ngọt thơm phức mùi vanilla, pho-mát hay những thanh kẹo sô-cô-la hấp dẫn thật khó cưỡng nổi với nhiều người. Thế như ít ai biết rằng ăn nhiều đồ ngọt thì không có lợi cho sức khỏe, và nhất là với những người mắc bệnh tiểu đường mãn tính. 
Người thừa cân – béo phì
Những người có cân nặng và hàm lượng mỡ trong cơ thể vượt qua giới hạn, ngoài các bệnh lý như bệnh ở vùng dưới đồi-tuyến yên, do giảm chức năng tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận… thì thừa cân-béo phì chủ yếu do dinh dưỡng không hợp lý, thói quen lười vận động.
Nhìn chung những người thừa cân-béo phì đều ăn uống rất ngon miệng, thích ăn đồ nhiều mỡ và ham đồ ngọt. Một trong những nguy cơ lớn của người béo phì là bệnh tiểu đường.
Cơ chế vận chuyển, chuyển hóa đường ở người thừa cân- béo phì có rất nhiều hạn chế do: Số lượng insulin thụ thể trên màng tế bào giảm; chức năng của từng thụ thể đơn lẻ giảm; những thụ thể sau khi được insulin kích hoạt, chức năng truyền tín hiệu vào sâu bên trong tế bào lại bị tổn thương; số lượng phần tử vận chuyển đường giảm chức năng gan chuyển hóa đường thành đường nguyên chất để tồn trữ lại không bảo đảm…Với những nguyên nhân làm xuất hiện đề kháng insulin.
Trong tình trạng bất thường này, nếu người béo phì cứ tiếp tục ăn nhiều đường sẽ càng làm cho tuyến tụy suy yếu hơn, đường trong máu (đường huyết) tăng vọt sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự hình thành bệnh tiểu đường. Mặt khác, đồ ngọt là thực phẩm giàu năng lượng, người thừa cân-béo phì do năng lượng đưa vào không tiêu thụ hết mà tích tụ dưới dạng mỡ, nếu ăn càng nhiều đồ ngọt thì họ lại càng béo.
Bệnh gan nhiễm mỡ
Gan được ví như là một công xưởng chuyển hóa lớn, nó tham gia chuyển hóa và tổng hợp nhiều loại chất hóa học trong cơ thể. Khi gan bị nhiễm mỡ là lúc hàm lượng mỡ trong gan vượt quá giới hạn cho phép. Khi có sự bất thường nào đó làm cho sự tích tụ của mỡ trong gan quá nhiều (do tỷ lệ chuyển hóa triglycerid của tất cả chất béo cấu thành trong gan cao nhất nên chất béo tích tụ trong gan chủ yếu là triglycerid), vượt quá mức 5%. Thậm chí hàm lượng mỡ trong gan của những người bệnh nặng đạt tới 50% trọng lượng gan. Tình trạng này người ta gọi là bệnh gan nhiễm mỡ.
Khi gan bị nhiễm mỡ, chức năng của gan giảm, người bệnh ăn khó tiêu, luôn có cảm giác như đầy hơi, cơ thể mệt mỏi. Càng ăn nhiều thức ăn chứa đường, chất đạm, mỡ họ càng khó chịu. Mỡ trong cơ thể người không chỉ đến từ thức ăn, nguồn gốc chủ yếu khác là do lượng mỡ được hấp thụ qua mức chuyển hóa thành mỡ dự trữ lại trong cơ thể. Do vậy bệnh nhân gan nhiễm mỡ phải hạn chế hấp thu đường từ thức ăn.
Rối loạn chất béo trong máu
Tình trạng rối loạn chất béo trong máu đang ngày một phổ biến ở mọi đối tượng. Trong các nguyên nhân gây ra rối loạn chất béo trong máu người ta nhấn mạnh đến việc ăn uống quá nhiều chất béo bão hòa trong thức ăn nhiều mỡ, các loại bánh như bánh quy, bánh bông lan…
Thay đổi chế độ ăn là một động tác có tính chất quyết định trong điều trị chứng rối loạn chất béo trong máu. Ăn nhiều chất xơ, nhiều rau tươi, nhiều cá, ít thịt và ít muối. Không ăn món bơ và kem, kiêng mỡ heo, mỡ gà, dầu dừa, dầu cọ, các phủ tạng động vật như gan, lòng, óc, cật (bầu dục)…; các thịt tạp vụn như cổ, cánh, da…; hạn chế ăn món trứng gà, trứng vịt, phải kiêng thêm đường, mứt, mật, bánh kẹo, rượu và các đồ uống có chất cồn.
Bệnh tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh hàng đầu đe dọa sức khỏe con người với hàng triệu người mắc bệnh hiện nay và vẫn không ngừng gia tăng theo từng năm. Trong đó chủ yếu bệnh tiểu đường không có liên quan đến nội tiết tố insulin (ta thường gọi là bệnh tiểu đường dạng 2, chiếm 90% bệnh nhân tiểu đường).
Tình trạng suy giảm chức năng tế bào Beta tuyến tụy dẫn đến lượng insulin sản xuất ra giảm, làm tăng hàm lượng đường trong máu. Các biến chứng trầm trọng về mạch máu nhỏ (vi mạch) và mạch máu lớn của bệnh tiểu đường dạng 2 ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng về kinh tế cho ngành y tế.
Ở những bệnh nhân này, thực phẩm giàu đường là “kẻ thù” số 1. Họ không chỉ hạn chế tối đa đồ ngọt (các loại bánh ngọt, kẹo, nước giải khát có đường, nước đường, mật ong…) mà còn phải hạn chế cả những loại thức ăn có hàm lượng đường cao (như bánh mì trắng, bánh mì toàn phần, bột dong, yến mạch, gạo trắng…). Các loại trái cây nhiều đường như chuối, dưa hấu, cam, các loại trái cây sấy khô… Dù bận rộn đến mấy, bệnh nhân tiểu đường nói riêng và người khỏe mạnh bình thường nói chung cũng phải nên quan tâm chăm sóc chu đáo đến chế độ ăn uống, chỉ cần một bữa ăn uống “thả cửa” cũng dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường, nhất là những người đã có nhiều biến chứng bệnh tiểu đường và chứng béo phì.
Đồ ngọt tuy hấp dẫn nhưng cần ăn uống hạn chế, không chỉ với người bệnh tiểu đường mà còn với người già, người tiêu hóa kém… Ăn nhiều đồ ngọt còn làm mất cảm giác ăn uống ngon miệng với người khỏe mạnh vì hàm lượng nhiệt lượng lớn.
BS.PHẠM KHẮC TRÍ

Bình luận (0)