Những ngày gần đây trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều ý kiến nói về ngành giáo dục. Đó là câu chuyện nói lại về công trình nghiên cứu tiếng Việt của ông Bùi Hiền và chuyện đánh vần trong sách lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại. Theo tôi, chuyện nghiên cứu khoa học và công bố nghiên cứu của mình là quyền tự do của cá nhân. Chúng ta đều biết không có một tuyên bố chính thức nào là có ý định cải tiến về chữ viết và cũng không đặt hàng về đề tài nghiên cứu. Thế mà người ta cứ truyền nhau như có một quy định mới đã thay đổi chữ viết trong chương trình cải cách giáo dục.
Đồng ý là chúng ta lo ngại về ai đó vô tình hay cố tình biến con, cháu ta thành vật thí nghiệm trong đổi mới giáo dục nhưng cũng phải hết sức cảnh giác với những thông tin không có cơ sở thực tế. Rất nhiều người quan tâm tới ngành giáo dục và không ít nhà giáo tâm huyết tận tụy với ngành. Hơn 73 năm, ngành giáo dục Việt Nam không phải không có những thành tựu nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như kỳ vọng của người dân. Đổi mới giáo dục là cần thiết và mục tiêu của đổi mới chính là làm sao đào tạo ra những con người Việt Nam đủ năng lực, trình độ đảm bảo xây dựng đất nước giàu mạnh.
Qua những đợt cải cách trước đây, cho thấy chúng ta đang thiếu một vị “kiến trúc sư trưởng” có tầm nhìn xuyên suốt hệ thống giáo dục, biết cầu thị, lắng nghe sự góp ý, phản biện xã hội để hoàn thiện toàn bộ cấu trúc hệ thống giáo dục từ mầm non tới ĐH mang tầm chiến lược lâu dài. Những cải cách đổi mới từ thi cử đến cách đánh vần, soạn sách giáo khoa đều mang tính vụn vặt cố ý lấy thành tích theo kiểu “nhiệm kỳ”… chứ chưa có tính hệ thống, tiếp nối. Thử hỏi đã có báo cáo nào đánh giá nghiêm túc gần 40 năm giáo dục thực nghiệm? Ngay mới đây, một hội thảo bàn về ĐH Việt Nam như thế nào vẫn chưa ra được một cấu trúc cụ thể? Cải tổ đổi mới giáo dục trước hết phải đưa ra một cấu trúc, nguyên lý hoạt động của toàn bộ hệ thống giáo dục nước nhà. Và kết quả đầu ra cần lấy sự hài lòng về chất lượng giáo dục làm khuôn vàng thước ngọc.
Xin nói thêm, chương trình giáo dục công nghệ được áp dụng ban đầu tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội) cách đây 40 năm. Hiện phương pháp này được áp dụng khoảng 800.000 học sinh ở 50 tỉnh/thành trong cả nước. Theo Bộ GD-ĐT, đây là chương trình đã được tổ chức nhiều năm nay. Cách đánh vần có khác so với chương trình cũ vì nó đi từ bản chất theo cách mà người ta đã sáng chế ra tiếng Việt dùng như hiện nay.
Lê Thông
(Giáo viên tại Nghệ An)
Bình luận (0)