Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chuyện ấy của U60

Tạp Chí Giáo Dục

Tuổi già, làm chuyện đó nhiều khi chỉ để chiều vợ. Bực nhất là khi đang "hăng hái", sắp xáp chiến mà bà vợ cứ cằn nhằn, thủ thỉ chuyện cơm áo gạo tiền, thế là "thằng già" xìu xuống như cọng bún thiu.
Tuổi già báo hiệu khi sinh lý bắt đầu yếu. Nhịp độ "gần gũi" thưa dần và đôi khi cũng chỉ là cố gắng làm vui lòng vợ theo định kỳ mà trong lòng không thật hứng khởi. Những lúc đó, nếu bà xã mệt mỏi gạt ra không chịu thì trong lòng lại mừng húm vì có cớ để thoát bổn phận mà không áy náy.
Mỏi gối, chồn chân
Bực nhất là khi đang hăng bầu máu nóng, sắp xáp chiến mà bà vợ cứ cằn nhằn, thủ thỉ chuyện cơm áo gạo tiền, thế là cái "thằng già" xìu xuống như cọng bún thiu. Các nhà tình dục học cho rằng trong "chuyện ấy", yếu tố tâm lý rất quan trọng. Với U60 (under 60, chỉ lứa tuổi từ 51 đến 59) là bước ngoặt của đàn ông, khả năng chăn gối có sự xuống dốc chầm chậm, ai có thêm bệnh tật thì nó xuống dốc như xe không phanh, không băng rừng lội suối nhưng nhiều khi "mỏi gối chồn chân, hết muốn trèo".
Thật ra ngay từ tuổi 50 trở đi, các tế bào của tinh hoàn bắt đầu thoái hóa, được thay thế bằng các sợi collagen. Lượng testosteron giảm dần kéo theo ham muốn tình dục giảm. Nhịp độ giao hợp thưa đi chứ không như thời U40. Có người than phiền rằng "súng" dường như ngắn lại. Tuy không đến mức đang từ "đại bác" biến thành "súng lục" nhưng các cơ trơn bao quanh mạch máu của "vũ khí" dưới tác dụng của adrenalin cứ co lại, làm cho nó như bé đi. Phản ứng của các ông là không chấp, tìm cách biện minh hoặc né tránh…
Từ khi lập gia đình, xiềng xích vợ con cột chặt người đàn ông vào hai chữ "trách nhiệm". Khi con tốt nghiệp đại học hoặc có công việc ổn định thì tóc đã "muối nhiều hơn tiêu". Những tưởng giờ đây được hưởng thú vui tuổi xế chiều thì "cơ quan chủ quản" lại bắt đầu làm bộ làm tịch, có lúc rõ là sung mãn, lúc lại như kẻ ốm nghén, lừ đừ, lờ đờ. Các quý ông tiếc hùi hụi, nhớ lại mà tiếc cái thời trẻ sức lực tràn trề, giờ giấc chả là cái đinh gì, lúc nào cũng muốn được vào cuộc, và trong những giây phút gay cấn đó, dù sét nổ trên đầu, súng gí bên tai hay động đất, sóng thần cũng không nghe, không biết.
Vì tiếc nuối nên có ông tim đến mấy em "non tơ" để được gọi "anh ơi", "cưng ơi" mà tưởng là tình yêu đích thực. Họ chạy đua với thời gian, sống gấp một tý để cảm thấy khí phách đàn ông còn nguyên, nhưng ít lâu sau thì "sụm". Nhiều người đã tan nát một gia đình vì cái lý do đơn giản ấy.
Có người mách bảo nên sử dụng "viên thuốc thần kỳ" để vợ chồng lại có dịp vui như thuở 30. Thật ra thuốc nào chả là con dao hai lưỡi, uống vào là "tình hình căng thẳng" ngay, nhỏm dậy "trả bài" dũng mãnh như thời trai trẻ, rồi sau đó bị thuốc điều khiển mình như ma túy. Chẳng may ông nào bị bệnh tim mà cũng cố dùng thuốc là có thể bị "thượng mã phong".
Đừng "cay cú" về số lượng
Trong cuộc nhậu vui với bạn bè cùng lứa U60, có người chứng tỏ mình "sành" bằng việc đưa ra nghiên cứu của Đại học Rockefeller về bí quyết sống lâu và ít bệnh, trong đó có khoản tình dục đều đều, nhưng thực tế điều này hơi khó theo. Thực ra chất lượng quan trọng hơn số lượng. Ăn thua là kỹ thuật làm bàn, thắng cho ra thắng chứ đá nửa vời chỉ tổ bị từ chê đến…ghét.
Vợ chồng già ghiền cái hơi của nhau hơn chuyện vật lộn trên giường. Lại nữa, cuộc sống còn nhiêu khê, khó khăn, nhiều đêm bà vợ "tám" đủ chuyện. Khi đó, ông chồng nên tỏ ra mình có học chứ "nhẫn" và rộng lượng, tỏ vẻ lắng nghe bà trách móc, thở than. Nếu bà ấy ngừng nói thì nên hỏi rằng em có gì cần nói thêm, tâm tình thêm không, hãy nói cho hết đi, anh còn nghe đây…
Nói về hạnh phúc thì không thể cân đong, đo đếm, có người nói hạnh phúc rất đơn giản, sống chính là đem lại niềm hạnh phúc cho người khác. Lại có người nói hạnh phúc là sự sung sướng mà muốn sướng thì phải còn… sung. Giữ cho cuộc sống an lành, có vợ có chồng, con cái thành đạt chính là hạnh phúc của người có tuổi.
Theo Pháp Luật TPHCM

Bình luận (0)