Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hè: trẻ nghịch ngợm phải kéo nhau vào viện

Tạp Chí Giáo Dục

Hành lang bệnh viện bị “chiếm giữ”. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chiều 28-6)

Bác sĩ Lê Văn Tùng – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Từ khi học sinh được nghỉ hè, số bệnh nhân nhập viện để được phẫu thuật chỉnh hình do bỏng và dị tật ngày càng tăng lên. Trước đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 30-40 trẻ nhập viện thì nay con số này đã lên tới 50-70 trẻ. Hiện tại, nhiều bệnh nhân vẫn chưa có giường nằm”…
Bước vào mùa hè, nhiều cô cậu học trò như trút được gánh nặng từ áp lực học tập, thi cử để thoải mái vui chơi, đùa nghịch. Thế nhưng đối với nhiều phụ huynh, mùa hè cũng đồng nghĩa với mùa… bất an bởi hầu hết họ không có nhiều thời gian “để mắt” đến con cái, nhất là việc tránh cho con các rủi ro từ những trò chơi trong dịp hè.
Bệnh viện quá tải
Chị Nguyễn Thị Hương – công nhân Khu công nghiệp Singapore đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng bỏng nặng, kể: “Vợ chồng tôi đều bận việc, không có thời gian chăm sóc con nên từ lúc nghỉ hè, bé Lan (4 tuổi) phải nhờ người bà con trông giúp. Phòng trọ chật chội mà bé lại rất hiếu động. Trong một phút người nhà quên để ý, bé Lan lại gần ấm nước đang nấu dở trên kệ bếp với tay kéo xuống khiến nước sôi đổ hết lên người, gây bỏng nặng”. Còn ông Trần Văn Long (52 tuổi, quê ở Trà Vinh) lại đưa cháu nhập viện do bé té từ trên cao xuống gây trật khớp háng. Một trường hợp nữa nặng hơn là em Nguyễn Thành Khải (13 tuổi, quê ở Đăk Lăk) trong lúc đùa nghịch với máy mài dao đã bị máy cắt vào tay, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, cổ tay bị vết cắt sâu 2cm…
Theo bác sĩ Lê Văn Tùng, sở dĩ bệnh viện quá tải, nhiều ca bệnh vẫn chưa sắp xếp được chỗ nằm là do đa phần bệnh nhi từ các tỉnh đổ về hoặc được chuyển từ các bệnh viện tỉnh lên. Không chỉ riêng Bệnh viện Nhi đồng 2, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày này dọc hành lang Khoa Chấn thương – bỏng chật cứng các gia đình bệnh nhân. Nhiều ca bệnh vì chưa được sắp xếp giường nằm phải “vạ vật”, tận dụng mọi ngóc ngách để nghỉ ngơi khiến bệnh viện đã quá tải càng thêm… quá tải bởi người nhà, áo quần, vật dụng cá nhân của bệnh nhi chiếm hết diện tích, vốn là “khoảng thở” của bệnh viện.
Chị Lê Thị Ngọc Mai, nhà ở quận 7, TP.HCM có con là bé Ngọc – 8 tuổi, cho biết: “Con tôi bị vết cắt dài gần 10cm, nhập viện từ sáng sớm ngày 28-6 trong tình trạng mệt mỏi vì mất máu và phải… nhịn đói để làm các xét nghiệm nhưng đến chiều mới được bác sĩ giải quyết, sắp xếp chỗ nằm”. Chị Mai kể, thấy con chịu nhiều áp lực trong kỳ thi cuối năm nên dịp hè cũng muốn để bé được chạy nhảy, vui chơi thoải mái. Trong lúc đùa giỡn, bé Ngọc cùng một người bạn xô đẩy cánh cửa kính khiến kính bị vỡ đâm vào tay. Vết thương khá nặng, sợ nhiễm trùng nên chị Mai rất sốt ruột, cho rằng bệnh viện “ngó lơ” trường hợp của mình nên nhiều lần muốn đưa bé ra ngoài chữa trị.
Cần quan tâm đến trẻ
Ghi nhận của chúng tôi thì đa phần trẻ nhập viện là do bỏng nước sôi hoặc điện, tay chân bị nhiều vết cắt do tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao kéo, thanh sắt… cho đến việc bị tai nạn do chơi các trò chơi mạo hiểm như nhảy cầu, đá banh giữa đường phố… Những tai nạn này hầu hết đều bắt nguồn từ sự thiếu cẩn trọng cũng như quá chủ quan trong lúc các em đùa nghịch.
Nhiều ông bố, bà mẹ cũng phải công nhận một phần tai nạn của con là do… lỗi của mình, sơ suất từ việc thiếu quan tâm, thậm chí bỏ mặc các con trong dịp hè. Thực tế, ngày nay nhiều phụ huynh vì quá bận rộn với công việc nên có rất ít thời gian dành cho con cái dẫn đến quên cả việc để ý đến sinh hoạt, nếp sống của con. Có phụ huynh lại “thoáng” đến mức thưởng cho con 3 tháng hè tự do vui chơi, thậm chí không cần biết con… chơi trò gì.
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Bình luận (0)