Âm nhạc không chỉ có tác dụng giải trí – yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống, mà theo nghiên cứu mới đây nhất của nhóm các nhà khoa học thuộc Trường đại học Northwestern – Evanston – Anh, âm nhạc còn là một trong những yếu tố có tác động lớn đến não bộ và hệ thần kinh con người, thậm chí có thể làm thay đổi não bộ.
Ảnh minh họa.
Âm nhạc và tác động làm thay đổi sóng điện não
TS. Kraus và nhóm của ông đã tiến hành một cuộc thử nghiệm đối với 30 người tình nguyện (một nửa trong số họ là các nhạc sĩ và những sinh viên đang theo học các khoá học đào tạo về âm nhạc). Để kiểm tra, các nhà khoa học đã gắn lên đầu những người tham gia cuộc thử nghiệm các điện cực được kết nối với một thiết bị đo điện não đặc biệt. Kết quả là có sự khác biệt rõ rệt giữa những tín hiệu điện não thu được giữa nhóm người không chơi nhạc với nhóm nhạc sĩ và sinh viên học nhạc.
Nghiên cứu về nguyên nhân dẫn tới kết quả khác biệt này, các nhà khoa học cho biết: ở những người thường xuyên chơi nhạc hoặc tiếp xúc nhiều với âm nhạc, khả năng cảm nhận và sự nhạy cảm đối với các âm thanh phức tạp ở họ tỏ ra tốt hơn những người bình thường. Tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là một số chức năng não ở những người chơi nhạc đã được biến đổi, trở nên tinh tế và ổn định hơn. Những người này cũng ít bị làm cho mất tập trung khi tiếp xúc với những tiếng động thông thường. Nói cách khác, não bộ của họ đã được “rèn luyện” bằng âm nhạc thường xuyên tới mức đạt đến một sự thay đổi khác biệt so với những người khác.
Cũng theo nghiên cứu này, những người tiếp xúc với âm nhạc với thời gian càng lâu, hoặc học nhạc và chơi nhạc càng nhiều thì ảnh hưởng của âm nhạc làm thay đổi hoạt động não bộ diễn ra càng rõ nét và sâu sắc. Nhìn chung, sự thay đổi này là theo chiều hướng tích cực. TS. Kraus cũng cho biết: Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tập luyện âm nhạc tích cực có thể tác động và giữ ổn định trạng thái cảm xúc của con người. Khi thiếu đi trạng thái ổn định về cảm xúc này, con người có thể gặp phải những vấn đề liên quan đến tâm lý và dẫn tới thái độ cư xử bất thường. Đặc biệt, ở những trẻ em, hiện tượng này có liên quan mật thiết tới các chứng bệnh như chứng tự kỉ, một số chứng bệnh làm hạn chế khả năng đọc và nhận thức ở trẻ…
Giúp chống lại stress và giảm đau
Từ lâu, âm nhạc đã được biết đến như một liệu pháp giúp thư giãn tinh thần và chống lại stress hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây còn khám phá ra rằng: âm nhạc ngoài việc giúp làm giảm căng thẳng, còn giúp giảm đau, tăng cường hệ miễn dịch và giúp cho người bệnh mau phục hồi các cơn đau tim. Nghiên cứu cũng cho thấy, nghe nhạc từ 30 – 60 phút một ngày có thể giúp làm giảm bớt cường độ của các cơn đau mạn tính và sự tăng huyết áp vốn rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Trong một số ca phẫu thuật, các bác sĩ phẫu thuật đã thử sử dụng các bản nhạc piano, các bản nhạc giao hưởng để trấn an tinh thần người bệnh, kết quả là những bản nhạc này đã mang lại tác dụng trấn an rất hiệu quả.
Trong một thí nghiệm được tiến hành ở Hawaii để kiểm chứng tác động của âm nhạc đối với sức khỏe người bệnh, người ta nhận thấy, nghe nhạc đều đặn 25 phút mỗi ngày giúp người bệnh giữ ổn định tình trạng huyết áp, ổn định nhịp tim, hơi thở và giúp cơ thể họ cân bằng nồng độ hormon, nồng độ kháng thể… ở nhóm các bệnh nhân bị mắc chứng tăng huyết áp, trị liệu bằng âm nhạc sau 4 tuần đã cho hiệu quả.
Âm nhạc giúp người đột quỵ chóng hồi phục
Trong nhiều thí nghiệm khác, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy tác động phòng ngừa đột qụy, phòng ngừa chứng tự kỉ và chứng bệnh tim… thậm chí là ngăn ngừa nguy cơ mắc chứng Alzheimer… ở người cao tuổi. Tuy nhiên, không phải mọi loại âm nhạc đều cho hiệu quả như trên. Theo nghiên cứu, các loại nhạc giao hưởng, hoà âm hoặc có nhịp điệu nhanh có tác dụng hơn là các loại âm thanh, hay giọng ca… Nhạc của nhà soạn nhạc nổi tiếng Bach và nhạc Moza là những loại nhạc có tác động phục hồi tốt nhất đối với người bệnh. Nhiều nghiên cứu cũng khẳng định, nhạc Moza giúp ức chế và đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực ở người bệnh.
Nghiên cứu đối với 60 nam giới và phụ nữ tại trung tâm nghiên cứu thuộc Trường đại học Helsinki – Mỹ còn cho thấy, nghe những bản nhạc yêu thích thường xuyên giúp người bệnh nhanh phục hồi sau đột quỵ. Cơ chế này được các nhà khoa học giải thích như sau: khi nghe nhạc, các khu vực não được kích thích, làm sản sinh ra các hormon có tác dụng khôi phục những tổn thương trong các vùng não, đồng thời đẩy nhanh quá trình hàn gắn. Do đó các tế bào thần kinh tại các khu vực não tổn thương do đột quỵ lại hoạt động trở lại bình thường. 3 tháng sau khi bị đột quỵ, những bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp âm nhạc đã phục hồi tới 60% tình trạng sức khỏe. Con số này ở các nhóm điều trị vật lí trị liệu thông thường là 29%.
Và kích thích hệ miễn dịch
Nghiên cứu tại Trường đại học Sussex – Mỹ đưa ra nhận định: Âm nhạc có tác dụng kích thích hệ miễn dịch. Thử nghiệm với hơn 300 người bằng những bản nhạc có giai điệu vui, nhịp điệu nhanh… trong thời gian 50 phút, sau đó tiến hành đo nồng độ immunoglobulin A (IgA) và nồng độ các hormon trong cơ thể, chẳng hạn như cortisol (một loại hormon kiểm soát trạng thái thần kinh và là nguyên nhân làm tăng huyết áp, đường huyết, đồng thời làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch) hay hormon adrenocorticotropic, các nhà khoa học nhận thấy, nồng độ cortisol giảm xuống rõ rệt, trong khi đó nồng độ IgA tăng lên một cách đáng kể.
Biểu hiện của sự tăng giảm những hormon này là trạng thái tinh thần của người nghe được cải thiện, nguy cơ viêm nhiễm và stress giảm đi. Nhờ có sự tăng lên của IgA, sức miễn dịch của cơ thể cũng được hỗ trợ. Tại Bệnh viện Mutua de Terressa – Barcelona – Tây Ban Nha, các bác sĩ đã sử dụng liệu pháp âm nhạc để điều trị chứng căng thẳng và lo lắng cho 207 bệnh nhân trước các ca phẫu thuật, so với những bệnh nhân được áp dụng giảm căng thẳng bằng các phương pháp khác, liệu pháp âm nhạc giúp bệnh nhân giảm stress tốt hơn nhiều.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận (0)