Khi phải tiếp xúc lâu với môi trường quá nóng, cơ thể bị các rối loạn theo mức độ nặng tăng dần là: ngất, chuột rút, kiệt sức và đột quỵ do nóng. Thời tiết đang chuyển dần sang mùa hè nắng nóng, mọi người cần chủ động phòng tránh những tác hại do nóng gây ra.
Chườm mát cho bệnh nhân nhiễm nắng.
|
Nguyên nhân nhiễm nóng
Cơ thể chúng ta thoát nhiệt chủ yếu bằng hai cách: một là bài tiết và bốc hơi mồ hôi, hai là truyền nhiệt trực tiếp từ da ra môi trường xung quanh. Ở nhiệt độ bình thường sự bốc hơi mồ hôi làm giảm khoảng 20% nhiệt độ cơ thể, nhưng ở nhiệt độ cao đó là cách tiêu nhiệt chính, khi đó mồ hôi có thể tới 2,5 lít/giờ, nếu độ ẩm không khí cao thì sự bay hơi mồ hôi bị giảm đi. Da truyền nhiệt bằng bức xạ ra môi trường làm giảm 65% nhiệt độ cơ thể trong điều kiện bình thường. Nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng lên 37,2oC thì bức xạ nhiệt đổi hướng: nhiệt truyền từ môi trường vào cơ thể qua da. Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nóng gồm: béo phì, các bệnh da, mất nước, thiếu dinh dưỡng, hạ huyết áp, mất nước do uống rượu, sức khoẻ giảm sút, kém thích nghi khí hậu, nguy cơ rối loạn do nóng tăng lên theo tuổi; một số thuốc làm giảm bài tiết mồ hôi như: kháng cholinergic, kháng histamin, lợi tiểu…
Các thể lâm sàng
Vì bất cứ lý do nào nếu cơ thể không thoát được nhiệt sẽ dẫn tới các biểu hiện: chóng mặt, mệt, dễ xúc cảm, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, lú lẫn, sảng, mờ mắt, co giật, trụy tim mạch và mất ý thức. Da bệnh nhân nóng, lúc đầu lấp xấp mồ hôi, sau đó khô. Mạch nhanh mạnh lúc đầu, huyết áp đầu tiên tăng nhẹ nhưng sau đó hạ huyết áp, thân nhiệt đo ở trực tràng thường trên 41oC. Điển hình rối loạn do nóng gồm các thể sau:
– Ngất: thường gặp ở người lao động vất vả khoảng hai giờ hay hơn ngoài trời nắng. Bệnh nhân bị mất ý thức đột ngột có thể do giãn mạch da, dẫn đến hậu quả là hạ huyết áp toàn thân và hạ huyết áp não (huyết áp tối đa dưới 100mmHg). Bệnh nhân có triệu chứng da lạnh và ẩm, mạch yếu.
– Chuột rút: hầu hết các trường hợp bị chuột rút xảy ra sau khi bệnh nhân hoạt động mạnh ở các nhóm cơ bị ảnh hưởng. Do cơ thể bị mất nước và chất điện giải gây nên tình trạng “chuột rút”, có khi cơ bị co rút mạnh, kéo dài 1-3 phút, nhất là các cơ phải cử động nặng. Chuột rút xảy ra do mất muối khi ra mồ hôi mà chỉ bù nước đơn thuần. Da bệnh nhân ẩm và mát, các cơ thì căng, hoặc cơ bị co rúm. Bệnh nhân có thể bị kích động và đau nhiều ở cơ bị chuột rút. Thân nhiệt bình thường hoặc hơi tăng. Các cơ bị chuột rút cứng và nổi cục.
– Kiệt sức: bệnh nhân hoạt động nặng kéo dài, mà không được tiếp nhận đủ nước và muối trong môi trường nóng sẽ dẫn đến mất nước, mất muối, mất dịch đẳng trương kèm theo các rối loạn tim mạch. Có thể bị ngất hoặc chuột rút do nóng. Bệnh nhân rất khát và yếu, kèm theo các triệu chứng: đau đầu, mệt, dị cảm đầu chi, lo âu, giảm thích ứng; thở nhanh, tăng thông khí thứ phát sau kiệt sức do nóng có thể dẫn tới nhiễm kiềm hô hấp, nhiệt độ lấy ở trực tràng trên 37,8oC, nhịp tim nhanh, da ẩm. Bệnh có thể tiến triển tới sốc do nóng nếu ngừng ra mồ hôi.
– Đột quỵ nóng: là một cấp cứu do đe dọa tính mạng bệnh nhân. Bệnh diễn biến có hai thể: một là đột quỵ nóng xảy ra ở bệnh nhân mà cân bằng nội mô có tổn hại; hai là đột quỵ nóng gắng sức xảy ra ở những người vẫn khỏe mạnh nhưng phải lao động gắng sức trong môi trường nhiệt độ cao. Đột quỵ do nóng có thể gây tử vong do tổn thương não, tim mạch, gan hay thận. Điểm đặc thù của đột quỵ nóng là rối loạn chức năng não làm suy giảm ý thức, sốt cao, không có mồ hôi. Các yếu tố nguy cơ gồm: trẻ nhỏ, người trên 65 tuổi, bệnh nhân suy nhược lâu ngày, hoặc đang dùng các thuốc: kháng cholinergic, kháng histamin, các phenothiazin gây cản trở cơ chế thoát nhiệt. Đột quỵ nóng do gắng sức xảy ra đột ngột trụy tim mạch và mất tri giác, sau đó rối loạn hành vi. Khoảng 25% bệnh nhân đột quỵ nóng có triệu chứng báo trước nhiều phút đến nhiều giờ gồm: chóng mặt, yếu mệt, buồn nôn, lẫn lộn, mất định hướng, lơ mơ và hành vi rối loạn, nhiệt độ đo ở trực tràng lên tới 41oC.
Xét nghiệm thấy mất nước, tăng uric máu, máu bị cô đặc, giảm tiểu cầu, giảm kali, calci và phospho huyết thanh; tăng thời gian máu đông, máu chảy, tổn thương cơ tim, tổn thương gan, thận, nước tiểu cô đặc…
Cách xử trí
Cần nhanh chóng hạ nhiệt độ: làm mát bằng các phương tiện như quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ, lau hay phun bằng nước mát (15oC) khắp người bệnh nhân… Tích cực điều trị cho đến khi nhiệt độ ở trực tràng giảm xuống đến 39oC, hầu hết các trường hợp nhiệt độ duy trì ổn định nhưng cần theo dõi trong 24 giờ. Không dùng các thuốc hạ nhiệt như aspirin, acetaminophen vì không có tác dụng. Chú ý đến biểu hiện suy thận, hạ kali huyết, loạn nhịp tim, đông máu nội mạch rải rác và suy gan. Bồi phụ nước và điện giải để bảo đảm cung lượng nước tiểu trên 50ml/giờ.
Bệnh nhân cần ăn uống đủ chất, tăng cường ăn canh, rau, uống nước trái cây như nước chanh, nước cam…
Phòng trúng nóng
Những người phải lao động, luyện tập ngoài trời nắng nóng cần được hướng dẫn để tự phát hiện các triệu chứng sớm của rối loạn do nóng. Khuyến khích mọi người khi hoạt động ngoài nắng cần uống nước thường xuyên và nên uống dung dịch oresol. Tập thích nghi với khí hậu nóng với thời gian và cường độ lao động tăng dần cho cơ thể thích ứng. Những người không thường xuyên hoạt động ngoài trời khi đi nắng cần đội mũ nón rộng vành, không ở lâu ngoài trời nắng.
ThS. Nguyễn Hoàng Lan (SK&ĐS)
Bình luận (0)