Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lưu ý khi dùng thuốc Đông y

Tạp Chí Giáo Dục

Bài viết dưới đây nhằm lưu ý khi sắc các bài thuốc, khi dùng thuốc trong y học cổ truyền.
 
 
Sắc thuốc

Đông trùng hạ thảo nên nấu cùng thực phẩm bổ – Ảnh: K.Vy

– Khi sắc cần cho ngập nước, cho thuốc vào trước, rồi sau đó cho nước vào ngâm khoảng 1 tiếng, để nước ngấm vào thuốc mới có thể sắc kiệt ra được những hoạt chất.
– Lượng nước cho vào cần tùy theo lượng thuốc nhiều ít và yêu cầu của việc điều trị, thường sau khi sắc xong còn lại 1 bát nhỏ khoảng 200 – 300 ml là vừa.
– Sắc thuốc bổ cần đun lửa nhỏ, để thuốc chịu nhiệt từ từ thì các hoạt chất mới dễ được sắc ra. Sau khi đun sôi nước thuốc, cần đun nhỏ lửa tiếp khoảng 30 – 45 phút, tắt lửa xong để ủ 5 – 10 phút rồi mới chắt nước thuốc ra. Nếu dùng lửa to đun sôi, thuốc dễ trào ra ngoài gây lãng phí và các hoạt chất cũng có thể bị phân hủy làm giảm tác dụng của thuốc.
Nhân sâm không dùng chung với củ cải

– Những loại thuốc bổ quý dùng độc vị (dùng một mình) như nhân sâm, linh chi thì nên dùng cách hãm uống như uống trà; đông trùng hạ thảo, tam thất, kỷ tử, đảng sâm, đương quy nên nấu cùng thực phẩm bổ như chim cút, chim sẻ, gà ác, chim câu (ngâm cho mềm rồi cho vào bụng chim hoặc gà và đun cách thủy).

– Lượng thuốc sắc mỗi thang đủ uống trong 1 ngày, không nên sắc một lúc nhiều quá rồi để qua ngày hôm sau dùng, vì hoạt chất của thuốc biến mất, làm giảm hiệu quả, có khi bị hư uống đau bụng, tiêu chảy.
– Với thuốc bổ thường phải sắc 2 – 3 nước thì các hoạt chất của thuốc mới tiết ra hết được. Sau đó hòa chung các lần sắc để uống.
– Nên dùng nồi đất để đun sắc, không nên sử dụng đồ kim loại, có thể dùng nồi men sứ. Vì, thuốc bổ phải cần sắc lâu, để các hoạt chất của thuốc mới ra hết được, trong điều kiện sắc lâu, các kim loại dễ sinh ra phản ứng với các hoạt chất trong thuốc, làm biến đổi tính chất và thành phần của hoạt chất. Cũng không dùng chung với dụng cụ nấu ăn để tránh gây ra các phản ứng hóa học khác, làm giảm công dụng của thuốc.
Lưu ý khi dùng
– Khi dùng thuốc bổ Đông y cần phải chú ý vấn đề kiêng kỵ. Chẳng hạn như khi uống nhân sâm thường nên kiêng ăn củ cải. Theo lý luận Đông y, nhân sâm và củ cải có tác dụng tương phản nhau, nếu dùng đồng thời thì tác dụng của nhân sâm sẽ bị củ cải triệt tiêu; khi dùng nhân sâm, thủ ô không nên đồng thời uống nước chè.
– Ngoài ra, khi bồi bổ phải cố gắng tránh những thức ăn chưa ăn bao giờ hoặc lúc bình thường không ăn thường xuyên như các loại hải sản tươi sống, để tránh làm cho các vị của thức ăn kháng lại vị thuốc. Nhất là đồ hải sản tươi sống có nhiều histamin dễ dẫn đến những phản ứng, dị ứng, khiến cho việc bồi bổ không thuận lợi, bồi bổ mà không có hiệu quả.
– Thuốc bổ nên uống nóng, không nên uống lạnh.
– Cữ uống sáng cần uống lúc đói bụng, nửa giờ sau mới ăn sáng để thuốc dễ hấp thụ; tối uống sau bữa ăn 2 giờ; còn buổi trưa uống 0,5 – 1 giờ trước khi ăn. Nếu sau khi uống thuốc lúc đói bụng mà dẫn đến hiện tượng đầy bụng, không muốn ăn thì có thể uống thuốc sau bữa ăn khoảng 1 giờ.
Khánh Vy (TNO)
Theo lương y Hoài Vũ

Bình luận (0)