Những đứa trẻ bị cha mẹ vứt bỏ được nuôi tại mái ấm Thanh Sơn. |
“Tại sao cha mẹ lại bỏ con?”, “Chắc tại con bệnh đau thế này nên họ mới bỏ con…”, “Không biết cha mẹ có nhớ con không?”… là những câu hỏi xé lòng mà chúng tôi được nghe khi đến mái ấm Thanh Sơn (chùa Thanh Sơn, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).
Nỗi lòng con thơ
Trước mắt tôi là cô bé 4 tuổi mắc chứng bại não. Ni sư Thích An Thiên, người chăm sóc bé cho biết: “Nhà chùa nhặt cháu trước cổng, khi ấy người cháu còn đỏ hỏn, chừng hai ngày tuổi. Có thể cháu mang căn bệnh sốt bại não từ cái đêm ấy. Khi phát hiện, cháu nằm bất động trong một cái thúng rách, kiến bâu đầy người”. Tôi hỏi về cha mẹ, các cháu nhỏ đồng thanh trả lời: “Tụi con không có cha mẹ, chỉ có thầy và cô mà thôi”. Ni sư cố nén những giọt nước mắt vào trong, dang rộng đôi cánh tay ôm các cháu vào lòng như để xua đi cái không khí nặng nề, ảm đạm đang bao trùm lên những đứa trẻ – những trang giấy trắng tinh.
Khi đang chuyện trò với các bé, một cậu nhỏ mắc chứng bệnh đao chạy đến khều vào đầu tôi rồi chỉ trỏ, ra dấu. Chăm chú nhìn cậu bé hồi lâu, ni sư An Thiên quay sang tôi “phiên dịch”: “Cháu tên Nhiên, 13 tuổi. Trông cháu khỏe mạnh thế này mà cha mẹ bảo cháu bị bệnh nên bỏ đi không về”. Cậu bé ra hiệu tôi hãy nhìn nó chạy nhảy và chơi đùa như một đứa trẻ bình thường.
Hiện mái ấm Thanh Sơn đang nuôi dạy trên 100 cháu, trong đó có gần phân nửa cháu bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa sinh ra đời. Đối với những trường hợp bị bỏ rơi vô thừa nhận, nhà chùa báo với chính quyền, làm thủ tục nhận nuôi dạy các cháu. Không ít trẻ khi được phát hiện, cơ thể đã tái tím, đau lòng nhất là các bé bị mắc bệnh bẩm sinh nên chỉ nuôi vài ngày là mất.
Hãy nghĩ đến “tòa án lương tâm!”
Một hoàn cảnh đáng thương không kém là cháu trai Nguyễn Tường An, con đầu lòng của một đôi vợ chồng trẻ ở huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Mâu thuẫn gia đình nảy sinh khi An chào đời. Công việc làm ăn của gia đình liên tục thất bát, tin lời thầy bói “đứa con ra đời không hợp thời, hợp mạng” nên cha mẹ đã vứt An ở cổng chùa khi An vừa tròn 5 tháng tuổi”. Đó là một trong số ít hoàn cảnh mà nhà chùa biết được người thân của chúng. 11 tuổi nhưng An nhút nhát, ít nói, khi ai đó hỏi đến cha mẹ. Cậu bé lại sụt sùi: “Mỗi lần đi học, thấy các bạn có cha mẹ đưa đón con thích lắm. Gần đây, cha mẹ xin các thầy đưa con về nuôi nhưng con sợ mai này cha mẹ lại bỏ con lần nữa”.
“Lợi dụng lòng từ bi của nhà chùa, không ít ông cha bà mẹ mang con đến đây như để rũ bỏ trách nhiệm. Có gia đình mang cả ba đứa con, đứa lớn nhất chưa quá 5 tuổi đến gửi ở mái ấm rồi đi biền biệt. Những đứa trẻ nhớ sữa mẹ khóc không ra tiếng, trẻ đau một thì chúng tôi đau gấp ngàn lần”, ni sư An Thiên tâm sự.
Hiện nay, trên cả nước có nhiều mái ấm, nhà mở do các tổ chức từ thiện, các cá nhân trong và ngoài nước thành lập đã nhận nuôi các cháu bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế nhưng các mái ấm luôn trong tình trạng quá tải, thiếu điều kiện chăm sóc.
Vứt bỏ trẻ em là hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em và Luật Hình sự, trái với đạo đức xã hội. Đây là hành vi mất nhân tính. Với người vứt bỏ trẻ em, “tòa án lương tâm” là tòa án xét xử cao nhất.
Bài, ảnh: Trần An
Nguyễn Thế Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM): Điều 94 của Bộ luật hình sự quy định về tội giết con mới đẻ: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. |
Bình luận (0)