Phụ huynh đắn đo khi chọn sách cổ tích cho con. Ảnh: T.D |
Sau bài viết Truyện cổ tích Việt Nam đang bị “biến dạng”… đăng trên số 853, Giáo Dục TP.HCM đã nhận được những ý kiến phản hồi xoay quanh vấn đề này.
Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Không lý do gì mà làm hỏng truyện cổ tích”
Trước hết, cần phải hiểu rằng: truyện tranh cổ tích khác với truyện kể cổ tích, khi viết truyện tranh, tác giả có quyền “phăng” ra hoặc giản lược sao cho câu chuyện trở nên thú vị hơn. Tuy nhiên, dù thế nào thì cũng không thể làm “biến dạng” truyện cổ tích vốn dĩ là những áng văn hay, các câu chuyện đầy ý nghĩa giáo dục đối với trẻ thơ.
Cho dù các câu chuyện cổ tích được “chế tác” để “ngang tầm thời đại” như thế nào không cần biết, nhưng nếu đọc Tấm Cám mà không có câu: “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”; hay “Thị ơi, thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn”… thì còn gì là cổ tích Tấm Cám nữa?! Cũng như việc đọc Sự tích dưa hấu mà không có câu “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” thì cũng đồng nghĩa với việc tước đi một câu nói làm nên tính cách của Mai An Tiêm. Riêng việc sử dụng các từ ngữ cho… hiện đại như: nha, ui da, măm măm, xơi, sực… đã làm hỏng cái không khí của truyện cổ tích mà bạn đọc muốn được tìm thấy. Những ngôn từ hiện đại (cùng với tiếng lóng, ngôn ngữ mạng, văn phong ngày thường của giới trẻ) tuy giúp các em tiếp cận câu chuyện nhanh hơn, nhưng lại đẩy các em rời xa các vẻ đẹp của truyện cổ tích nhiều hơn. Theo ý kiến của cá nhân tôi, làm truyện tranh cổ tích thì phải tạo dựng được cái không khí của ngày xưa, cái cốt cách tinh thần của người Việt cổ. Truyện cổ tích vốn dĩ là những truyện truyền khẩu, được kể lại suốt bao đời nên nó là kết tinh của bao tâm tư, trí tuệ, cảm xúc. Không lý do gì mà làm hỏng truyện cổ tích. Bởi làm hỏng truyện cổ tích cũng chính là làm hỏng giấc mơ đẹp đẽ của các em.
Nguyễn Minh Trí (học sinh lớp 7/4 Trường THCS Minh Đức, quận 1): Không đọc cổ tích viết lại
Ngày còn nhỏ, em được ba mẹ kể cho nghe nhiều câu chuyện cổ tích như Tấm Cám, Thạch Sanh – Lý Thông, Cây tre trăm đốt… Mở đầu các câu chuyện bao giờ cũng là “ngày xửa ngày xưa, tại một làng nọ…” khiến em rất thích thú. Là con trai nhưng em cũng mơ mộng và tưởng tượng về thế giới trong các câu chuyện kể. Em cũng ước được là hoàng tử hay ông bụt với nhiều phép mầu có thể cứu giúp được người nghèo khổ, chịu nhiều thiệt thòi cũng như “tiêu diệt” cái ác, sự bất công…
Đến khi biết đọc, biết viết em bắt đầu tìm mua truyện cổ tích về xem. Nhưng nhiều câu chuyện em xem thấy không giống lắm so với ngày xưa nghe ba mẹ kể. Bây giờ, không chỉ riêng em mà nhiều bạn cũng không thích đọc cổ tích. Tụi em không còn… mê thể loại này vì hầu hết chúng được viết lại và sử dụng ngôn ngữ “teen” ngày thường của tụi em quá nhiều.
Đỗ Ngọc Quang (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú): “Thấy tiếc cho các em…”
Tôi là một phụ huynh có con đang học mẫu giáo, chưa biết đọc nên tôi thường phải mua sách đọc cho cháu nghe, trong số đó có truyện cổ tích. Thế nhưng, khi vào các siêu thị sách để tìm sách mua thì thật kinh khủng, truyện cổ tích trong tâm tưởng của tôi ngày xưa đã không còn nữa. Thay vào đó là những câu chuyện được viết lại, nhiều tình tiết bị hư cấu… thảm hại, kiểu như Mai An Tiêm bắn hạ chú voi con hay ông bụt là nhân vật được miêu tả… đẹp trai nhất truyện! Nhìn các em thiếu nhi ngày nay say mê những cuốn cổ tích viết lại, tôi thấy tiếc cho các em bởi không được sống trong không khí truyện cổ tích của ngày xưa, thậm chí các em cũng không được tận hưởng những giá trị mà bản thân tôi cũng như nhiều người từng cảm nhận thuở lên 5 lên 10. Vì lẽ này mà nhiều lúc tôi muốn… ghi lại cho các con những câu chuyện mà ngày xưa được đọc bằng chính ký ức của mình.
Giáo dục nhân cách phải đi từ gốc – từ khi các em còn rất nhỏ. Trong khi cổ tích là thể loại gắn bó với tuổi thơ nhưng lại “bát nháo” như hiện nay thì khi tiếp cận, tâm hồn của các em không biết sẽ “vẩn đục” như thế nào?
Ngân Du (ghi)
Bình luận (0)