* Hỏi: Trên môi của em đang bị nổi một mảng mụn rộp, rồi nó vỡ ra, tiếp sau đó có một vùng những mụn nhỏ mọc ở gần miệng (nhưng không bị sốt hay có triệu chứng gì trước khi phát bệnh). Em có đi khám ở một bệnh viện, bác sĩ vừa nhìn là ghi ngay em bị herpes mà không hỏi bất cứ điều gì!
Quý báo có thể cho em biết: khi nhiễm herpes ở miệng thì nguy cơ nhiễm herpes ở cơ quan sinh dục có cao không? Theo em biết, loại bệnh này có thể lây nhiễm khi không hề phát bệnh và vi-rút này tồn tại vĩnh viễn, vậy có chính xác không? Liệu bị herpes ở miệng thì có ảnh hưởng đến đời sống tình dục sau này? Bác sĩ có thể giải thích cho em hiểu vì sao lại bị nhiễm herpes (em không dùng chung đồ dùng cá nhân); nếu bị nhiễm bệnh thì làm gì để tránh lây bệnh? Xin cám ơn! <thutrang@…>
– Trả lời: Bạn Thu Trang thân mến, bệnh herpes (bệnh mụn rộp) là bệnh dễ chẩn đoán. Vì lý do này, vị bác sĩ khám cho bạn nhìn là biết bệnh liền mà không hỏi gì thêm là thế. Thầy thuốc sẽ dựa vào sự hiện diện của các mảng da đỏ trên đó có chứa các chùm mụn nước hoặc vết tích của mụn nước để chẩn bệnh. Đa số thương tổn mọc ở vị trí gần các “cửa khẩu” (má, môi, miệng, mông, cơ quan sinh dục), cũng có thể gặp ở ngón tay nhưng hiếm hơn. Có 2 loại vi-rút gây bệnh herpes là HSV 1 và HSV 2. Hai loại này khác nhau từ cấu trúc đến vị trí gây bệnh, đường lây và cả nguy cơ tái phát… Có 80% các trường hợp HSV 1 sẽ gây ra thương tổn trên vùng môi – miệng như trường hợp của bạn. Riêng HSV 2 thường gây bệnh ở vùng niệu – sinh dục. Nếu bạn có lây cho ai đó thì người bị lây sẽ đón nhận đúng “anh chàng” HSV 1 mà thôi. Người bị herpes trên miệng sẽ không bị herpes sinh dục nếu không bị nhiễm HSV 2 từ nguồn lây bên dưới.
Đời sống tình dục của người bị herpes ở miệng sẽ không bị ảnh hưởng gì lắm so với herpes sinh dục. Dù vậy, lúc đang nổi mụn rộp bạn cần tránh hôn bạn tình, và cũng nên tiết chế “chuyên ấy” phần nào vì, đó cũng là một việc “gắng sức”! Những thông tin mà bạn nghe được như: “Vi – rút này tồn tại trong cơ thể người bệnh suốt đời, có thể lây vào giai đoạn không có triêu chứng” là đúng. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng, bởi không phải ai cũng bị lây và bệnh tái phát còn tùy vào việc có hay không các yếu tố làm giảm sức đề kháng (phơi nắng, giao hợp, stress, nhiễm trùng, dùng một số thuốc…). Đa phần thương tổn herpes tự khu trú, nếu có tái phát sẽ xuất hiện trên vị trí cũ hoặc nơi khác. Với những trường hợp suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, dùng thuốc trị bệnh ung thư, corticoid liều cao và kéo dài…) thì bệnh có thể lan tỏa toàn thân.
Bệnh herpes không lây qua vật dụng cá nhân, mà qua tiếp xúc da – niêm mạc với người bệnh. Siêu vi sau khi vào cơ thể sẽ phát triển tại vị trí nhiễm làm nổi mụn nước, hoặc theo dây thần kinh ngoại biên vào hạch, sống “chờ thời” ở nơi này. Khi nào sức đề kháng giảm, chúng sẽ tái hoạt, di chuyển ra da, niêm mạc và gây bệnh.
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương
(giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM)
(giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM)
Theo TNO
Bình luận (0)