Chăm sóc bé cẩn thận để tránh các bệnh ngoài da vào mùa hè. Ảnh: I.T |
Trong những ngày gần đây, thời tiết khá oi bức, nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 34 – 350C. Theo đó, trẻ em rất dễ bị những bệnh ngoài da, nếu không biết cách chăm sóc có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Và Bệnh viện Nhi đồng II thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị nhọt và hăm lở các kẽ da…
Tìm hiểu từ thân nhân các bệnh nhi được biết, mặc dù trời nóng nhưng có không ít bà mẹ khi thấy con ho, sổ mũi là mặc cho con áo trong áo ngoài, vớ nón đầy đủ. Hậu quả là các bé ra mồ hôi nhiều dẫn đến ngứa ngáy, gãi nhiều. Mặt khác, các bé chưa biết tự vệ sinh cá nhân nên rất dễ nhiễm trùng da. Đầu tiên chỉ là những mụn rôm sảy nhỏ, vết xước trên da, đôi khi chỉ là một nốt muỗi đốt nhưng khi bội nhiễm sẽ trở thành nhọt, cụm nhọt. Thường thì những mụn nhọt xuất hiện nhiều nhất ở vùng đầu, mặt và cổ. Các bà mẹ không để ý hoặc coi thường cho rằng không sao nhưng vài ba ngày sau thấy bé đỏ da toàn thân kèm sốt, sưng hết mặt. Thậm chí khi các bà mẹ phát hiện thì các cụm mụn đỏ đã trở thành những mụn mủ sưng tấy ở xung quanh. Lúc này, gia đình mới vội vã đưa trẻ nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng máu phải điều trị tốn kém, thời gian chăm sóc rất lâu. Chúng tôi đã gặp những bệnh nhi bị đa nhọt, viêm mô tế bào ăn sâu vào trong da điều trị kéo dài hai tuần.
Đối với trẻ nhũ nhi, các bà mẹ thường có thói quen mang tã giấy cho tiện lợi. Lý do được họ đưa ra là vì sợ bé tiêu tiểu bất chợt, ngại giặt giũ. Da của trẻ nhũ nhi còn quá mỏng nên bé dễ bị hăm, lở vùng bẹn, kèm nhiều mụn ở mông. Đặc biệt nếu không giữ vệ sinh tốt, thêm vào đó do trời nóng kết hợp với phân và nước tiểu sẽ làm da bé bị nhiễm trùng.
Trường hợp các bé bị thủy đậu (trái rạ), vẫn còn rất nhiều bà mẹ có thói quen cữ nước, cữ gió, bắt bé mặc đồ quá kín nên các nốt phỏng bị bội nhiễm mưng mủ và làm cho bệnh càng nặng hơn.
Cũng có không ít các bà mẹ quen với tập tục cũ khi chăm sóc da cho bé như đắp lá, bôi kem không theo chỉ định của bác sĩ; vệ sinh cá nhân cho bé chưa tốt khi thời tiết nóng nực làm cho bé dễ bị nhiễm trùng da.
Bệnh viện Nhi đồng I vừa tiếp nhận bệnh nhi L.B.K, 9 tháng tuổi, do bị sốt cao, đỏ da. Theo mẹ của bé K, lúc đầu mọi người thấy trên người bé nổi nốt đỏ rải rác, riêng vùng cạnh mông trái thì nhiều hơn. Cứ nghĩ bé bị ban nên người nhà đã mặc quần áo cho bé, kiêng gió, cữ nước. Sau đó lấy lá cây giã nát rồi đắp lên da vùng mông để trị lành da. Được một ngày, không thấy da lành mà chỉ thấy vùng đỏ da lan rộng ra toàn bộ vùng mông trái. Sau đó da toàn thân cũng trở nên đỏ hồng, bé sốt cao, quấy nhiều, lúc đó gia đình phải cho nhập viện. Khám bệnh và làm xét nghiệm cho kết quả bé K. bị viêm mô tế bào và biến chứng nhiễm trùng huyết. K.Anh
|
Vì vậy để tránh các bệnh về da cho bé, đặc biệt là trong mùa hè oi bức này, các bà mẹ nên cho bé mặc quần áo mỏng, thoáng mát; vệ sinh da thường xuyên nhất là sau khi bé tiêu tiểu, chú ý các vùng da cọ xát, các nếp kẽ. Đối với trẻ nhỏ nên thay tã thường xuyên, hạn chế mang tã giấy – trừ khi cho bé đi xa. Khi tắm rửa cho trẻ, không dùng những loại xà bông có độ tẩy cao. Tránh cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng nhiều, đội nón, che dù khi ra nắng. Hạn chế trẻ chạy nhảy quá nhiều trong thời tiết nóng bức. Cắt ngắn móng tay trẻ để tránh gãi ngứa. Cho trẻ chơi, ngủ trong môi trường mát mẻ, thông thoáng và sạch.
Lưu ý, khi da bé mọc mụn, nổi nốt đỏ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Không bôi phấn rôm lên vùng da bệnh, không đắp cây lá thuốc theo kinh nghiệm, không được tự ý bôi lên da trẻ bất kỳ một loại thuốc nào. Vì nếu sử dụng thuốc không đúng chỉ định thì bệnh không những không bớt mà có thể nặng hơn hoặc có thể làm trẻ bị ngộ độc.
BS. Nguyễn Thanh Hương
(Trưởng khoa Nội Tổng hợp – BV Nhi đồng II)
Bình luận (0)