Về mặt khoa học, các loại nước giải khát gắn mác “nguyên chất, tự nhiên, từ hoa, quả hay trà xanh…” đang được nhiều nơi sản xuất và bán đại trà có chăng chỉ sản xuất theo công thức: hương liệu + màu + nước + đường hoá học….
Nước quả đóng chai đủ màu sắc, đủ mùi vì nhưng làm từ những nguyên liệu nào thì chỉ có nhà sản xuất biết (Ảnh minh họa)
Lạc vào… “ma trận”
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khoẻ và quan tâm đến các loại thức uống có nguồn gốc thiên nhiên, các nhà sản xuất công nghiệp đã tung ra nhiều loại thức uống có “chiết xuất” từ tinh chất trái cây, củ quả, trà xanh… với hàng chục nhãn hiệu nội – ngoại như: Frest, Unif, Pepsi, Delta, X.O, Malee, Number 1…
Nếu như hàng ngoại chỉ có cam, táo, nho, đào chú trọng đến vitamin thì thương hiệu nội lại quan tâm đến các loại hoa, quả, củ, bốn mùa là cam, chanh, dứa, xoài, ổi, bí đao, trà xanh… với mục đích khai thác khẩu vị và tính “thảo dược” của nguyên liệu.
Tuy nhiên, dù được gọi là nước ép trái cây hay tinh chất trà xanh với thành phần chính là nước cốt nhưng ở mục thành phần, nhiều hãng đã “quên” không đề cập đến thành phần vitamin C cụ thể là bao nhiêu hoặc nếu có, cũng ghi chung chung.
Để so sánh, chúng tôi đã chọn mua ngẫu nhiên hai sản phẩm “nước ép trái cây” cốt chanh dây, một của nhãn hiệu C quen thuộc, một từ hàng “bỏ mối” ở các quán cà phê. Về mặt cảm quan, cả hai đều có màu vàng nhạt, song khi dùng thử thì lại có mùi vị khác nhau. Hàng “bỏ mối” tuy có mùi thơm của chanh dây nhưng khi uống vào cho vị nhẫn. Còn sản phẩm hiệu C thì có thơm hơn, đậm đà hơn song cũng không tránh khỏi cái hậu “ngây ngấy” sau khi uống.
Còn các loại tắc ép, chanh dây, dâu tằm nguyên chất… mà các quán cà phê thường pha bán là hàng thủ công “đóng” trong chai PET (được nhặt lại từ các hãng nước tinh khiết), bán với giá từ 12.000 – 14.000 đồng/chai 1 lít, tùy theo cốt. Trong khi đó, các sản phẩm sản xuất công nghiệp tuy trông có sạch sẽ và an toàn hơn nhưng thành phần như thế nào thì chỉ có… người sản xuất mới biết (?).
Ngoài loại thức uống “thiên nhiên bổ dưỡng” điển hình trên, thị trường còn có nhiều loại “thức uống gia truyền” được sản xuất đại trà và đóng chai bằng… vỏ chai PET sau đó dán nhãn in lụa đại khái như: nước sâm linh chi, nước nha đam, nước tóc tiên, nước trinh nữ hoàng cung… đều có công dụng “bổ dưỡng – trị bá bệnh”.
Bên cạnh đó, hiện không ít người đã rỉ tai nhau nên mua nước NONI, loại nước chiết xuất từ trái nhàu, hay nước Aloe (Lô hội) tinh chất từ cây nha đam được người bán hàng đa cấp thổi phồng “có thể trị bá bệnh” với giá mỗi chai lên cả triệu đồng(?). Hay nước sâm linh chi mật ong của Hàn Quốc, trên nhãn có ghi rõ chỉ là loại nước dinh dưỡng nhưng khi bán cho khách hàng, người bán giới thiệu các thành phần sâm đỏ cao ly, đương quy, kỷ tử… có công dụng trong việc phòng chống ung thư, lão hoá.
Gần đây là sản phẩm “Canh dưỡng sinh” của công ty Việt – Hàn (không rõ địa chỉ) dù chỉ có hai vị thuốc chính là nấm đông cô và ngưu báng (nếu có – chỉ là tượng trưng), nhưng lại được ca ngợi là “các nhà khoa học công nhận” có tác dụng hỗ trợ và phòng ngừa các bệnh mãn tính mà y học “bó tay” như tiểu đường, ung thư…
Chất lượng có đáng ngờ?
Trong đơn khiếu nại gởi Văn phòng Khiếu nại của người tiêu dùng phía Nam (VPPN), ông Trần Quang Diệu (Bảo Vinh, Long Khánh, Đồng Nai) bức xúc: “Khoảng tháng 10/2008, gia đình tôi mua chai trà xanh 0 độ Number1 còn hạn sử dụng đến tháng 072009 nhưng sản phẩm bị đóng cặn và căng phồng như sắp nổ. Tôi đã điện thoại báo cho nhà sản xuất hai lần và được hứa sẽ cho người xuống xem xét. Nhưng cho đến hết tháng 03/2009 vẫn chưa thấy ai. Mục đích của tôi là thông báo cho công ty biết để kiểm tra lại lô hàng, nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, vậy mà họ đã xem thường”.
Không chỉ Trà xanh có “vấn đề” mà sản phẩm đang “hot” nhất trên thị trường hiện nay là trà Dr.Thanh cũng bị người tiêu dùng phàn nàn. Anh Huỳnh Hữu Giang (Phước Hiệp, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Trong một lần uống cà phê ở hẻm 347 Trần Hưng Đạo, Quận 1, nghe quảng cáo trà Dr.Thanh uống mát người, tôi gọi một chai. Sau khi uống một ít, tôi có cảm giác nước trong chai bị chua và có mùi hôi. Kiểm tra nắp chai thì phát hiện trên miệng chai bị khuyết một bên. Tôi giữ lại sản phẩm và gọi điện báo cho nhà sản xuất gần 20 lần, để rồi công ty trả lời rằng sản phẩm đã mở rồi nên không giải quyết. Điều này tất nhiên, bởi khi uống rồi tôi mới phát hiện chúng bị hư!”. Theo tin từ VPPN, thời gian qua trà Dr.Thanh bị người tiêu dùng gọi điện thoại phản ánh rất nhiều về chất lượng, chẳng hạn như: uống nghe mùi thiu, màu nước khi đậm, khi lợt…
Giải thích hiện tượng hư của chai Trà xanh 0 độ, đại diện nhà sản xuất bà Đỗ Thị Phước Nghĩa – Trưởng phòng Chất lượng công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát cho biết: “Trong quá trình vận chuyển, bốc xếp hoặc bảo quản tại các công đoạn từ công ty tới tay khách hàng có khả năng chai trà xanh nói trên đã chịu ảnh hưởng của một tác động khách quan nào đó nên hở nắp và không khí có thể lọt vào. Kết quả là sản phẩm bên trong bị hư tạo cặn lắng ở đáy chai, đồng thời sinh khí làm phù chai… nên người bán không biết”(?).
Ngoài ra, sản phẩm Trà xanh Lipton Pure Green vị mật ong của nhà sản xuất PepsiCo cũng bị khiếu nại do “nhớt, mùi lạ, dưới đáy chai nước có những vệt màu nâu dài khoảng 1cm”. Để giải thích hiện tượng này, đại diện PepsiCo khẳng định: “Do Lipton Pure Green được sản xuất và chế biến từ lá trà non nên khi đóng chai, có một phần xác nhuyễn của lá trà non có màu hơi sậm đóng dưới đáy chai…”.
Nhận định của nhà chuyên môn
GS. TS Nguyễn Thế Kỷ – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Hoá hữu cơ trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu một sản phẩm nước ép trái cây gọi là nguyên chất thì trong sản phẩm chỉ có một thành phần hoá học. Còn nếu gọi là nước cốt thì bắt buộc phải lấy từ một loại trái cây hay củ, lá cụ thể nào đó, hoàn toàn không lẫn lộn với một chất nào khác.
Còn đánh giá về mặt khoa học, có thể nói các loại nước giải khát gắn mác “nguyên chất, tự nhiên, từ hoa, quả hay trà xanh…” đang được nhiều nơi sản xuất và bán đại trà có chăng chỉ sản xuất theo công thức: hương liệu + màu + nước + đường hoá học… mà nếu dùng nhiều chẳng những không có lợi mà còn có thể gây hại cho sức khoẻ.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định, dù chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về các loại thức uống này nhưng có thể khẳng định là nó không bổ dưỡng như quảng cáo. Bởi chúng được chế biến từ nguồn nguyên liệu “chỉ có nhà sản xuất mới biết”. Còn nếu được làm từ nguyên liệu thật như công bố, thì chắc chắn nguồn cung cấp nguyên liệu không thể đáp ứng cùng lúc cho việc sản xuất vài trăm ngàn lít thức uống/ngày. Đặc biệt có những loại hoá chất độc hại không có phản ứng ngay mà phải cần một thời gian dài mới biểu hiện triệu chứng.
Lời khuyên cho người tiêu dùng là nên sử dụng loại thức uống có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Chu Bảo Chinh
Người tiêu dùng
Bình luận (0)