Xu hướng điều trị bằng y học cổ truyền trên thế giới ngày càng tăng, nhưng nhiều người bệnh lo lắng vì chất lượng của các vị thuốc này. Nguyên nhân chính dẫn đến sự kém chất lượng của thuốc là bảo quản không đúng quy cách.
Bạch thược, bạch truật, đương quy sau khi được ngâm, làm mềm, thái phiến, xông sinh, trông rất đẹp nhưng không biết còn bao nhiêu hoạt chất – Ảnh: L.K.Phụng (Tuổi Trẻ).
|
Theo tiêu chuẩn dược điển quy định, các loại dược liệu chỉ cần có độ ẩm dưới 15%, như vậy sau khi rửa sạch, sấy nhẹ ở 60OC trong khoảng 12 – 24 giờ, hút chân không, đóng gói kín vào bao bì, thì sẽ bảo quản được lâu.
Tuy nhiên, hiện nay, đa số cơ sở buôn bán, sản xuất đông dược vẫn còn sử dụng các cách bảo quản bằng một số chất có thể gây độc, như sau:
* Xông lưu huỳnh: nhiều nhà thuốc chống mối mọt, ẩm mốc cho đông dược bằng cách xông lưu huỳnh. Mùi lưu huỳnh làm cho ta có cảm giác nhức đầu, chóng mặt, nếu ngộ độc lâu ngày, có thể dẫn đến ung thư.
Tác dụng của lưu huỳnh là diệt sâu bọ, nấm mốc và cũng làm cho đông dược có thể dẻo, mềm mại không khô cứng và làm dược liệu trắng sáng, đẹp hơn.
* Đánh bóng bằng chì (Pb): tam thất là dược liệu thường được đánh bóng bằng chì cho đẹp và bán với giá cao hơn loại thường. Nhưng khi sắc thuốc uống, chì sẽ khuếch tán vào trong nước thuốc và có thể gây nhiễm độc.
Trẻ em khi nhiễm độc chì có thể chậm lớn, trí tuệ kém phát triển. Đối với người lớn, chì gây tăng huyết áp, suy tim.
Khi tồn dư chì trong cơ thể đạt 0,5 – 0,6ppm (phần triệu), chức năng của thận bắt đầu bị rối loạn và tới 0,8ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin.
* Quét sulfur kẽm lên bề mặt dược liệu: ví dụ, nhục thung dung, vị thuốc này có thể chất mềm dẻo, độ ẩm cao nên dễ bị mốc, nhưng khi được quét bằng sulfur kẽm thì để lâu năm cũng không bị mốc.
Ngộ độc kẽm cấp tính có thể gây chết người với triệu chứng như nôn, tiêu chảy, mồ hôi lạnh, mạch đập khẽ, chết sau 10 – 48 giây.
* Nhiễm độc thủy ngân (Hg): thường xuất hiện khi chế biến không đúng quy cách các dược liệu như chu sa.
Các hợp chất của thủy ngân chứa gốc methyl (CH3) rất bền. Khi vào cơ thể, nó được hòa tan trong mỡ, thấm qua màng tế bào, não tủy, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương.
Do vậy, khi nhiễm, người bệnh dễ bị kích thích, cáu gắt, xúc động và rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, chân tay run. Thủy ngân làm gãy nhiễm sắc thể và ngăn cản sự phân chia tế bào.
* Dùng lục hóa khổ hoặc nhôm phốt pho: theo tiến sĩ Nguyễn Viết Thân, Đại học Dược Hà Nội, viên thuốc màu xám lục mà người dân dùng bảo quản đông dược có công thức hóa học là AlP, gọi là nhôm phốt pho, gặp hơi nước sẽ tạo thành phốt phin (PH3). Chất này gặp ánh sáng sẽ tạo thành clor và phosgene, một chất cực độc với người.
* Độc tố do nấm mốc: thống kê cho thấy, tỉ lệ dược liệu bị mốc mọt 15 -20%, tỉ lệ khối lượng dược liệu bị mốc 12 – 28%.
Nấm mốc tiết ra các độc tố đặc biệt là các aflatoxin. Độc tố này dẫn đến tổn thương gan, ung thư gan. Những loại độc tố trong nấm như trên không bị diệt ở nhiệt độ cao (160 – 170OC), do đó trong trường hợp nấu chín thì độc tố aflatoxin vẫn tồn tại mà không bị phân hủy.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, 30% dược phẩm đang được lưu hành chứa nấm mốc, nhất là aflatoxin.
* Chất lượng dược liệu kém: qua quá trình chế biến, các loại hoạt chất của dược liệu đó còn hay mất bao nhiêu, chúng ta chưa xác định được.
* Người bệnh tự ý sử dụng: không qua hướng dẫn của y, bác sĩ, đông y không phải vô hại, vì thế cần được chẩn đoán chính xác bệnh rồi mới dùng thuốc.
Người già, trẻ em, phụ nữ có thai cần thận trọng. Nhiều trường hợp tử vong hoặc được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch như suy tim, suy gan, suy thận, nhiễm trùng huyết… nguyên nhân là do ngộ độc thuốc đông y.
Tóm lại, chương trình hành động “Dược liệu sạch và môi trường” cần triển khai nhanh, cũng như tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra của các cơ quan hữu quan đối với các cơ sở buôn bán, chế biến đông dược để tránh những trường hợp ngộ độc đáng tiếc cho người sử dụng.
Dược sĩ Lê Kim Phụng
Đại học Y Dược TPHCM
Theo Tuổi Trẻ
Đại học Y Dược TPHCM
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)