Với một số người, bệnh viện và bác sĩ trở thành nỗi ám ảnh len lỏi vào giấc ngủ. Nỗi sợ này có thể dễ dàng vượt qua khi biết cách.
Để khắc phục nỗi sợ, bệnh nhân cần tìm bác sĩ đáng tin cậy, nên đi khám, điều trị tại các bệnh viện uy tín. |
"Tại tôi sợ đi khám bác sĩ, lỡ phát hiện mình bị ung thư tử cung sẽ hoang mang, chết càng sớm hơn. Thà không biết bệnh tôi còn vô tư sống!", chị Huỳnh Thạch Lam, 33 tuổi, nhà huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, giải thích khi được hỏi vì sao chị không đi trị bệnh sớm. Chị chịu đau nhiều tháng, đến khi bị cơn đau quật đi không nổi, chị mới đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, bác sĩ chuẩn đoán chị bị dính buồng tử cung. Sau đó chị phải mổ nội soi để tách dính. Bây giờ, chỉ vào vết sẹo mổ nhỏ bằng hạt đậu ở bụng, chị bảo: "Sau khi mổ, tôi thấy mọi chuyện thật nhẹ nhàng, chẳng còn thấp thỏm như trước!".
Tâm lý sợ bác sĩ, sợ đi khám bệnh như trường hợp của chị Lam rất hay gặp ở nhiều người. Nguồn gốc của nỗi sợ này là do họ thiếu kiến thức về y khoa. Ngoài ra, một số bác sĩ muốn bệnh nhân hiểu thêm biến chứng của bệnh say sưa giảng giải. Dù những kiến thức ấy đúng, nhưng đôi khi khiến bệnh nhân hoang mang.
Tác hại của bệnh sợ bác sĩ gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần bệnh nhân và hiệu quả điều trị. Do đó, bệnh nhân cần học cách giữ vững tinh thần, đây là điều hết sức quan trọng. Để khắc phục nỗi sợ, bệnh nhân cần tìm bác sĩ đáng tin cậy, nên đi khám, điều trị tại các bệnh viện uy tín, không nên quá lo lắng, sợ hãi khi bác sĩ đưa ra những chẩn đoán sơ bộ.
Tốt nhất, khi có nghi ngờ, lo lắng về chẩn đoán, toa thuốc, kết quả xét nghiệm… bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa ở bệnh viện. Khi có thắc mắc, bạn cứ yêu cầu bác sĩ giải thích.
Ngoài ra, việc bạn không nói thật các triệu chứng có thể khiến bác sĩ chẩn đoán sai, cho thuốc không đúng bệnh. Do đó, bạn phải nói thật, không giấu diếm các biểu hiện, cảm giác trong người. Như vậy, bác sĩ có thể dựa vào đó, thăm khám, tìm ra bệnh và điều trị đúng.
Theo Tiếp thị Gia đình
Bình luận (0)