Tập thể dục buổi tối là thói quen của nhiều người thành phố, nhưng các chuyên gia cho rằng việc vận động mạnh vào thời điểm này có hại cho sức khoẻ.
Phong trào chạy bộ, chơi tennis, tập thể dục theo nhạc… đang phát triển tại khắp các sân chơi, công viên, đường phố, bờ hồ… ở Hà Nội vào buổi tối. Đây là thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày để tập luyện nhưng ít ai biết rằng, việc tập không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể.
Mắc bệnh vì thể dục
Anh Nguyễn Văn Trung ở Giáp Bát, Hà Nội hay chơi tennis vào buổi tối muộn, sau khi đã “cơm no rượu say”. Khi mới chơi, anh thấy bị đau cơ, mệt mỏi, mất ngủ nhưng cho đó là chuyện tất yếu của người mới tập nên càng cố gắng. Nhưng càng chơi, các biểu hiện trên của anh càng trầm trọng. “Cầu cứu” các bác sĩ, anh mới biết mình mắc bệnh mệt mỏi mạn tính do thể dục không đúng nhịp sinh học cơ thể, tức tập luyện vào tối muộn khi cơ thể rất cần nghỉ ngơi.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Phú, Trưởng khoa Y học thể thao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, khẳng định, thể dục giúp rèn luyện sức khỏe, nuôi dưỡng tinh thần, hoàn thiện vóc dáng… nhưng nếu không có sự hiểu biết và đi ngược lại nhịp sinh học của cơ thể thì sẽ có thể gây bệnh tật.
Nên tập thể dục vào buổi sáng.
|
Chị Bùi Thị Vân ở Giảng Võ, Hà Nội, cũng mắc bệnh vì tập không đúng cách. Thấy phong trào thể dục buổi tối tại khu phố mình phát triển mạnh nên sau khi ăn xong, chị thường cùng bạn bè “chạy nhẹ” hai vòng quanh hồ, sau đó tập thêm các động tác thể dục. Nhờ tập luyện, chị thấy mình “eo” hẳn nên càng cố gắng hơn. Được khoảng hai tháng, chị Vân thấy đau tức bụng, càng tập luyện lại càng đau nhiều hơn. Đi khám, chị được kết luận viêm và sa dạ dày do tập thể dục ngay sau khi ăn no.
Theo bác sĩ Phú, buổi tập nên được bắt đầu sau khi ăn ít nhất khoảng hai giờ và bữa ăn đó cũng nên nhẹ nhàng, gồm một chút tinh bột và rau quả. Khi vừa ăn xong, máu tập trung ở dạ dày và ưu tiên cho cơ quan tiêu hoá để xử lý thức ăn. Việc tập luyện lúc đó khiến máu phải phân tán tới các cơ quan ngoại biên và cơ, làm cản trở quá trình tiêu hoá và hấp thu thức ăn, dẫn tới tiêu hóa chậm. Mặt khác, tác dụng cơ học của vận động cũng ngăn trở quá trình tiêu hoá của dạ dày, lâu dần gây viêm loét dạ dày và các cơ quan của đường tiêu hoá.
Buổi tối không tốt cho tập luyện
Sau một ngày lao động, tối đến (khoảng 20 – 21h) là lúc cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi sinh lý, cần được nghỉ ngơi. Việc tập luyện hay chơi tennis là sự thách thức cơ thể, bắt bản thân lao động vượt ngưỡng. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi mạn tính, dẫn đến các bệnh lý thực sự như rối loạn kinh nguyệt, suy thượng thận, thay đổi về mặt tâm lý, cảm xúc, rối loạn về giấc ngủ, tiêu hoá…
Bác sĩ Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch hội Đông y Việt Nam, cho biết Đông y rất coi trọng thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ, thậm chí coi việc đi bách bộ như một cách chữa bệnh, nhưng không bao giờ khuyên đi bộ hay tập thể dục vào buổi tối.
Các chuyên gia khuyên rằng tốt nhất nên tập thể dục sau khi ngủ dậy nhằm tạo sự lưu thông khí huyết và tinh thần sáng khoái, sẵn sàng cho một ngày lao động mới. Thời gian tập luyện giúp đạt tới đỉnh cao là 9 – 10h hoặc 15 – 18h, lúc nhịp độ sinh học lên cao, cơ bắp thoát khỏi sự ỳ, hệ thống tuần hoàn, hô hấp hoạt động tốt. Do đó, sự tập luyện dễ đạt thành tích cao, việc thực hiện động tác cũng chuẩn xác hơn.
Theo Đất Việt
Bình luận (0)