Nứt hậu môn thường gặp ở trẻ dưới hai tuổi nhưng hiện khá đông trẻ ở lứa tuổi tiểu học mắc bệnh này, đặc biệt là trẻ học bán trú.
Nên đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu không bình thường. Ảnh minh hoạ: Như Ý. |
Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Nhâm, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam, bệnh nứt hậu môn hiện gặp nhiều ở lứa tuổi mẫu giáo (4 – 5 tuổi) và tiểu học (12 – 13 tuổi), nam gặp nhiều hơn nữ, nhất là các trường có học bán trú. Bệnh đứng hàng thứ ba sau trĩ và các bệnh nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng khác.
Bệnh dễ chẩn đoán nhầm
Bé Mai A., 11 tuổi, ở Hải Phòng, được gia đình đưa đến Bệnh viện Tràng An khám vì phát hiện có khối u ở vùng hậu môn. Sau khi khám, bác sĩ kết luận đây là khối phân đã hóa đá. Mẹ cháu cho biết, cách đây mấy tháng, Mai A. bị táo bón gây rách hậu môn, sau đó một thời gian, em thường đi phân lỏng, có khi ngày mấy lần.
Theo giáo sư Nhâm, trường hợp như bé Mai A., nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm sẽ rất dễ kết luận là u mà không biết đó chính là chất thải do tích tụ lâu ngày gây nên. Khi trẻ sợ đau do rách hậu môn và không đi cầu được, chất thải đọng trong ruột ngày một khô cứng và gây giãn trực tràng. Vì vậy, chất thải mới có thể vẫn thoát ra được (thường là rỉ ra), song chất thải cũ thì biến thành đá và rất dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm.
Hiện, nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ nhưng theo giáo sư Nhâm, lứa tuổi này trẻ chơi đùa rất nhiều, ra nhiều mồ hôi nhưng thường không có ý thức uống bù nước nên cơ thể thiếu nước, dẫn tới tình trạng ống hậu môn bị khô. Ngoài ra, do trẻ ăn nhiều đồ ngọt, nhiều chất đạm, béo…, ít tự giác ăn rau và trái cây tươi nên thiếu chất xơ để tạo điều kiện đi cầu dễ dàng.
Đáng báo động nhất là tình trạng trẻ sợ đi vệ sinh ở trường do nhà vệ sinh quá bẩn, do sợ cô giáo, ham chơi…, nên “nhịn” để về nhà đi. Dần dần trẻ có thói quen nín mỗi khi không thích đi vệ sinh, để 2 – 3 ngày mới đi. Hậu quả là khối phân ở lâu trong lòng ruột bị khô cứng do bị thành ruột hấp thu hết nước. Khi trẻ đi cầu, khối phân cứng sẽ cọ rách thành hậu môn làm trẻ đau dữ dội và càng sợ mỗi lần đi cầu.
Tâm sinh lý của trẻ bị ảnh hưởng
Giáo sư Nhâm cho biết, rách hậu môn không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý của trẻ. Bệnh dễ gây nhiễm khuẩn, tạo thành ổ áp xe, chảy máu, rò hậu môn và là điều kiện tạo trĩ sau này. Đặc biệt, khi bị bệnh, trẻ dễ bị mặc cảm về tâm lý và lâu dần nếu không được chữa trị thì có thể mắc bệnh lý thần kinh.
Bình thường, vết nứt có thể tự lành nếu trẻ chỉ bị táo bón một hai lần, nhưng sẽ trở thành mạn tính khi kéo dài trên 6 tuần. Kể cả khi đã có vết tự lành, nó vẫn có thể tái phát.
Theo bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng, Học viện Quân y, nếu trong ba ngày không đi cầu được, nên đưa trẻ đi khám vì ngoài táo bón, đôi khi rách hậu môn là dấu hiệu polyp dị dạng, bệnh to đại tràng bẩm sinh… Chỉ nên dùng thuốc chống táo bón khi có chỉ định của bác sĩ. Cần hết sức thận trọng khi tự động thụt tháo bởi hậu môn là một lỗ đứt gấp, nếu không biết làm có thể gây chấn thương, viêm nhiễm hậu môn, trực tràng…
Chung Anh (Đất Việt)
Bình luận (0)