Đằng sau vẻ đẹp “mỹ miều”, hoa sữa, loài hoa đã làm nên vẻ đẹp của nhiều con đường lại gây ra không ít phiền phức cho người dân, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu tới sức khỏe.
Ảnh: Hanoi7x
Nồng nàn thành nồng… nặc
Cứ đến mùa hoa sữa nở rộ, nhiều tuyến đường của Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Bình… dường như thơ mộng hơn bởi hoa sữa nở trắng ngần, hương thơm ngát. Tuy nhiên, không ít người sống “gần” hoa sữa lại nhăn mặt, lắc đầu mỗi khi nhắc tới loài hoa thơm này.
Anh Nguyễn Kiên Sơn, Phú Diễn, Kiều Mai, Hà Nội kể, ngay cổng nhà anh có cây hoa sữa. Lúc đầu đi thoảng qua thì thấy mùi thơm nhè nhẹ và dễ chịu nhưng cả ngày lẫn đêm phải hít thở thì anh Sơn phát… sợ.
Thời điểm cây tỏa hương đậm đặc (16h – 6h sáng hôm sau) là lúc cả nhà lại cảm thấy chóng mặt nhức đầu, thậm chí là buồn nôn. Chị Nguyễn Ngọc Anh, một chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Du cho biết: Hoa nở quá nhiều khiến cho mùi trở nên đặc quánh, “nồng nàn” bỗng hóa thành “nồng nặc”.
Cùng chịu trận là mấy bác xe ôm. Anh Bùi Xuân Dũng làm nghề xe ôm đã nhiều năm trên đường Nguyễn Du cho hay: Cứ đến mùa hoa sữa là tôi lại phải trang bị thêm một số khẩu trang để đứng chờ khách. Thỉnh thoảng vào dịp rộ thì không dám đứng lâu, bởi có khi đau đầu, buồn nôn suốt cả ngày vì cái mùi hoa nồng nặc đó. Nhiều người đi bộ trên hè đường choáng váng không chịu nổi… nữa là những người thường xuyên đứng dưới gốc cây như chúng tôi.
Điều đáng ngạc nhiên là kêu là thế, nhưng mọi người vẫn “chung sống” với loài hoa này. Lý do bởi đa số người được hỏi đều cho rằng, tuy khó chịu nhưng do hoa sữa đẹp lại gắn với sự lãng mạn và cũng chẳng gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Vì thế, nên không ít người vẫn trồng, vẫn hít và vẫn say mê hoa sữa.
Dị ứng, viêm mũi từ hoa sữa
Trái ngược với quan niệm hoa sữa không gây độc của nhiều người, thực tế cho thấy, loài cây “mỹ miều” này lại gây ra không ít “rắc rối” cho sức khỏe. GS Trần Hợp, giảng viên Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết: Ngoài mùi thơm, nếu để đậm đặc sẽ dễ dẫn đến nồng nặc gây cảm giác mệt mỏi, khó thở cho những người phải hít nhiều. Điều đáng lưu ý là hoa và quả của cây có nhiều lông, những lông này có thể gây dị ứng, gây viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp.
Bà Nguyễn Thị Thạch, giám đốc Vườn Bách Thảo, Hà Nội cho biết thêm, đến mùa hoa là quả phát tán ra rất nhiều lông làm cho người tiếp xúc bị dị ứng. Những sợi lông nhỏ này bay lởn vởn trong không khí dẫn đến đường hô hấp bị ảnh hưởng, nhất là những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ bị ngứa, thậm chí là nổi mụn do tiếp xúc với chúng.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên viện trưởng Viện Tai Mũi Họng TƯ cũng cho hay: “Cây hoa sữa gây dị ứng cho người có cơ địa nhạy cảm với phấn và hương hoa. Có không ít trường hợp, nhất là trẻ nhỏ bị dị ứng phấn và mùi hương của hoa gây viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Hoặc với những người đã mắc các bệnh như hen suyễn, viêm xoang thì càng khó khăn hơn. Ngoài ra phấn hoa còn có thể gây dị ứng ngoài da”.
Độc nhưng không nên chặt
Trả lời cho câu hỏi, hoa sữa độc có nên chặt bỏ không, các nhà khoa học trả lời không. Bà Thạch cho hay, xét ở góc độ khác hoa sữa là loài hoa đẹp, cây thẳng, có mùi thơm, đặc biệt là cây hoa này tạo ra “thương hiệu” cho nhiều tuyến phố. Đành rằng, loài hoa này có gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhưng nếu biết cách vẫn có thể chung sống hòa bình.
Các nhà khoa học cho rằng, giải pháp thích hợp nhất đối với hoa sữa là không “hắt hủi” mà chỉ nên trồng ít, trồng điểm xuyết ở những tuyến phố lớn. Đặc biệt là không trồng hoa sữa tập trung ở những nơi đông dân cư. Nếu cần có quy hoạch cho cảnh quan đẹp nên trồng ở những nơi có không gian như bên cạnh hồ, khu công viên rộng lớn.
Theo Tô Hội – Lan Hoa
Khoa học & Đời sống
Bình luận (0)