Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hay lo, tuyến thượng thận bị… nốc ao!

Tạp Chí Giáo Dục

Khi bạn bị stress chính là đang… làm khó tuyến thượng thận của mình!
Xả stress để bảo vệ tuyến thượng thận- Ảnh: Gia Tiến
Cuộc sống càng văn minh, hiện đại thì tuyến thượng thận càng dễ bị quá tải do phải đáp ứng liên tục với những căng thẳng về tinh thần lẫn thể chất của con người. Những thống kê y học cho thấy có trên 80% người trưởng thành từng bị dính một vài triệu chứng có liên quan tới sự… bất lực của tuyến thượng thận!
Tuyến thượng thận bị kiệt sức là do rất nhiều yếu tố nhúng tay vào: từ thể chất, cảm xúc, tâm lý, chẳng hạn như đau buồn vì người thân qua đời, mất ngủ, làm việc quá sức, tập luyện thể thao quá mức, dinh dưỡng kém, sử dụng thuốc không đúng cách, ngộ độc kim loại nặng, nghiện rượu, sử dụng lâu dài corticoid, nhiễm trùng, tâm lý bi quan chán chường…
Những hiệp sĩ lặng thầm
Tuyến thượng thận gồm hai tuyến hình tam giác phủ vào mặt trên của mỗi quả thận (do đó có tên là thượng thận). Sống kế anh láng giềng là quả thận vốn quá nổi tiếng, tuyến thượng thận bỗng trở thành chiếc bóng mờ và ít được “thân chủ” lưu tâm…
Tuyến thượng thận chịu trách nhiệm trong việc xuất xưởng vài loại hormon. Chẳng hạn như adrenaline được tuyến thượng thận tiết ra mỗi khi chúng ta chạy nhảy, gặp nguy hiểm, thậm chí ngay lúc… hẹn hò. Hoặc cortisol và DHEA được tiết ra để giúp cơ thể đương đầu với stress, sự viêm nhiễm…
Cứ sau mỗi cơn stress kéo dài, tuyến thượng thận sẽ trở nên rã rời và không còn đủ sức để cho “ra lò” các loại hormon cần thiết. Hậu quả là cơ thể (tinh thần và thể chất) rất dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”, từ đó sẽ gây nên những căn bệnh mãn tính.
Ngày đi, cơ thể chúng ta sẽ “vay nóng” một ít năng lượng từ tuyến thượng thận. Đêm đến, cơ thể sẽ “hoàn vốn” sự vay mượn này. Tuy nhiên, nếu cơ thể cứ tiêu pha xả láng số năng lượng vay mượn này thì sẽ có ngày “mất khả năng chi trả”. Cuối cùng, tuyến thượng thận sẽ bị “sập tiệm”, hệ miễn dịch cũng sẽ rung rinh theo và làm ngòi nổ cho vô số bệnh tật.
Nghe những tàn phai…
"Những dấu hiệu của một tuyến thượng thận bị “mất phong độ” gồm: mệt mỏi thường xuyên, đứng không vững, huyết áp thấp, thân nhiệt thấp, bỗng dưng thèm đường hoặc muối, miễn dịch kém (mắc phải cảm cúm thường xuyên), nhức đầu, dị ứng, mau quên, khó ngủ…"
Nếu cơ thể thường xuyên lâm vào ba tình trạng sau đây, chính là những dấu hiệu cho thấy tuyến thượng thận đang bị… hạ nốc ao:
1. Không thích cười (dù xem một màn hài kịch vui nhộn).
2. Không còn hứng thú với bất cứ chuyện gì (kể cả “chuyện chúng mình”).
3. Không có được niềm vui trong cuộc sống.
Quá trình “tàn phai” này sẽ tiến triển theo ba giai đoạn:
– Ở giai đoạn 1, hàm lượng cortisol vẫn cao nhưng hàm lượng DHEA đã bị giảm.
– Ở giai đoạn 2, hàm lượng cortisol giảm dần làm cho “thân chủ” luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.
– Sang giai đoạn 3, hàm lượng cortisol và DHEA trở nên cực thấp, gây nên sự thiếu hụt năng lượng. Dấu hiệu dễ thấy nhất là sự xuất hiện các quầng thâm ở mắt.
Quẳng gánh lo và vui sống
Để tuyến thượng thận lấy lại “phong độ”, người bệnh cần được nghỉ ngơi và tịnh dưỡng, ngủ đủ giấc (mỗi đêm phải trên tám giờ). Cần phải tạo một tinh thần sảng khoái, có thể tham gia những lớp thiền hoặc yoga. Luyện tập thể thao vừa sức và đều đặn. Những hoạt động thể chất sẽ làm tăng tuần hoàn, nhờ đó cải thiện quá trình sinh năng lượng trong cơ thể. Luôn sống vui vẻ và hòa nhã với mọi người. Đừng tự làm khó bản thân mình và những người xung quanh. Hiện ở Úc đã áp dụng “cười liệu pháp” để hỗ trợ tuyến thượng thận, vì tiếng cười có khả năng kích hoạt sự đáp ứng stress, giúp tuyến thượng thận đỡ phải “gánh vác” stress một thân một mình.
Dinh dưỡng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tuyến thượng thận. Cần tránh những bữa ăn có thể “thêm dầu vào lửa” như thức ăn chứa quá nhiều muối, đường, dầu mỡ, rượu bia. Cần uống nhiều nước, nên chọn những loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin nhóm B, magnesium, kẽm…
Y học dân gian sử dụng rễ cam thảo, dược liệu này có chứa chất glycyrrhizin vốn có thể làm tăng nồng độ cortisol. Tuy nhiên không được sử dụng quá nhiều và quá lâu vì sẽ làm hàm lượng cortisol tăng quá cao. Khi ấy không chừng sẽ gây ra mối họa khác.
DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (ĐH dược Curtin, Úc)
Theo TTO

Bình luận (0)