Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Khói mù quang hóa” có hại cho sức khỏe như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

“Hiện tượng khói mù bao phủ Hà Nội mới đây, được các nhà khoa học gọi là khói mù quang hóa. Nó là tổ hợp của nhiều chất độc khác nhau, bụi mù… nên rất gây hại cho sức khỏe mọi người”.
PGS.TS Nguyễn Xuân Cự, Phó chủ nhiệm khoa môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết.

Phố Nguyễn Chí Thanh lúc 22h30 ngày 13/6
Biểu hiện sự ô nhiễm môi trường
Theo PGS Cự, khói mù quang hóa là hiện tượng ô nhiễm không khí rất nguy hiểm. Bình thường, các loại khí thải, bụi mù được khuếch tán lên không trung nên người ta không nhìn thấy khói, bụi hoặc nếu có thì cũng với mật độ ít hơn. Nhưng khi khí độc, khí thải ô nhiễm, khói, bụi mù không thoát lên cao mà tập trung ở dưới mặt đất gây nên hiện tượng “khó mù quang hóa”. Hiện tượng này có rất nhiều nguyên nhân khác nhau như trong không khí có nhiều chất bụi, ô nhiễm, cộng với bức xạ mặt trời, lại bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đô thị nên dễ gây ra hiện tượng này.
Cũng theo PGS Cự, khói mù quang hóa có thể xảy ra ở bất cứ đâu, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Còn hiện tượng khói mù quang hóa diễn ra tại Hà Nội mới đây, có thể là do hiệu ứng đô thị gây ra. “Ở Hà Nội, nhà cao tầng quá nhiều, dày đặc khiến hiệu ứng không khí kém, sự lưu thông không khí kém hơn, cộng với môi trường, không khí tại Hà Nội ô nhiễm do khói công nghiệp, khí thải động cơ xe cộ… nên dễ gây ra hiện tượng này”, PGS Cự nói.
Đáng nói, khi xảy ra hiện tượng khói mù quang hóa, cả một bầu không khí bị bao phủ bởi tổ hợp nhiều chất độc ô nhiễm khác nhau nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người. GS Cự đưa ra dẫn chứng, ở thành phố London (Anh) trong lịch sử cũng đã từng xảy ra hiện tượng khói mù quang hóa trầm trọng, hậu quả là có trên 5.000 người chết có liên quan đến hiện tượng này. Tuy chưa có những nghiên cứu khẳng định cụ thể, nhưng các nhà khoa học đều cho rằng sự ô nhiễm không khí quá trầm trọng là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca tử vong trên.
Ảnh hưởng toàn diện đến sức khỏe
Theo PGS Cự, hiện tượng khói mù quang hóa ảnh hưởng toàn diện đến sức khỏe mỗi người, nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là đến hệ hô hấp, những người đang bị các bệnh mãn tính nếu gặp hiện tượng thời tiết này, bệnh tình cũng nặng hơn.
Về vấn đề này, BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cũng cho rằng, khói mù quang hóa rất gây hại cho sức khỏe. Trong những ngày Hà Nội bị bao phủ bởi hiện tượng này, rất nhiều trẻ em được đưa tới Viện khám, nhất là các bé vốn bị các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, hen… Trong những ngày bị khói bao phủ, nhiều người dân Hà Nội cảm thấy khó thở, cay mắt.
“Lởn vởn ngay sát chúng ta là các loại bụi, chì, các chất độc như CO, SO2… Chúng ta nói chuyện, chúng ta thở đều hít những chất độc này vào mũi, miệng… nên rất dễ bị viêm họng, viêm mũi, lên cơn hen. Khi mắc những bệnh này, nếu biến chứng nặng có nhiễm trùng, nhiều trẻ còn phải uống kháng sinh mới khỏi bệnh. Khi đó, người bệnh ho, sốt khiến tình trạng sức khỏe yếu đi, ăn uống cũng kém đi. Chưa kể những người uống kháng sinh có thể bị tác dụng phụ của thuốc gây rối loạn tiêu hóa, đi ngoài làm cơ thể càng mệt mỏi hơn, ảnh hưởng toàn diện đến sức khỏe”, BS Lộc nói.
Cũng theo BS Lộc, không chỉ khi có hiện tượng khói mù quang hóa mới ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sức khỏe đường hô hấp. Mà trong điều kiện bình thường, môi trường khói bụi, ô nhiễm khí thải công nghiệp, khói xe cũng là một tác nhân gây bệnh. Nhiều người, khi đi đường, nếu không bịt khẩu trang thì bụi bám vào mặt đen sì, bám quanh lỗ mũi… Rất nhiều người có thói quen đeo khẩu trang, chỉ sau một hôm không đeo, đi đường hít khói bụi nhiều quá, về nhà là đã bị sụt sịt mũi, viêm mũi, thậm chí lên cơn hen ở những bệnh nhân bị hen. Theo BS Lộc, chính bầu không khí không đảm bảo, bị ô nhiễm bởi bụi, khói, hơi hóa chất… khiến số người mắc các bệnh hô hấp ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, hiện tượng khói mù quang hóa còn khiến mọi người có cảm giác rát mắt, giảm thị lực. 
Theo PGS Cự, khi gặp hiện tượng khói mù quang hóa, rất khó để khống chế, giảm thiểu sự ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người. Ở nhà đóng kín cửa hay đi ngoài đường đều không thể tránh khỏi hiện tượng này vì cả một bầu không khí bao phủ xung quanh chúng ta các chất bụi, ô nhiễm… Chỉ có một cách làm giảm tác hại của hiện tượng này, giảm tần suất lặp lại của hiện tượng, đó là làm trong lành bầu không khí.
“Đối với gia đình, thời điểm đó, chỉ có cách bật quạt để lưu thông không khí, bớt ngột ngạt hơn. Hoặc có thể bật điều hòa cũng giúp dễ chịu hơn. Còn về lâu dài, để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, việc cần làm là giảm lượng khí thải ô nhiễm trong bầu không khí bằng cách hạn chế lượng xe cộ lưu thông và tăng cường công tác xử lý khói thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, vệ sinh môi trường đỡ bụi bặm…”, PGS Cự nói.
Hồng Hải/dan tri

Bình luận (0)