Tưa miệng ở trẻ là một bệnh nhiễm nấm xuất hiện ở niêm mạc miệng, vòm miệng…
Ảnh: Shutterstock
|
Loại nấm này bình thường có thể xuất hiện ở những trẻ em khỏe mạnh, nhưng không gây bệnh vì sức chống đỡ của cơ thể trẻ tốt. Trên những trẻ đẻ non, ốm yếu, nuôi dưỡng kém, sức chống đỡ bệnh yếu, thì nấm dễ phát triển thành bệnh. Với trẻ mới đẻ, nguồn lây trực tiếp có thể là nấm trong âm đạo của người mẹ.
Khi phát triển nhiều, nấm tạo thành những lớp vảy trắng giống như cặn sữa bao phủ khắp niêm mạc miệng, lợi, vòm miệng và vòm hầu. Nếu nấm phát triển nhiều làm cho bé đau không bú được, không nuốt được, quấy khóc và gầy sút nhanh.
Theo y học cổ truyền, tưa miệng có các thể và cách chữa như sau:
* Đẹn sữa: Dùng mủ cây dâu, cắt nhánh hay vỏ cây dâu, cho chảy mủ hứng vào một cái chén, lấy ít bông tẩm mủ bôi vào các chỗ bị đẹn sữa.
* Lưỡi đóng trắng: Dùng bài thuốc: bằng sa phi 10g, phèn phi 10g, thanh đại 10g. Đem tán bột, lấy gạc tẩm nước, vắt khô, chấm thuốc bột mà đánh trên lưỡi, mỗi ngày 2 lần.
* Tưa, lở, sưng trong miệng: Dùng bài thuốc bôi: thạch cao phi 40g, phèn phi 5g, ngũ bội tử 0,1 kg. Các vị nghiền thật mịn, dùng vải gạc quấn vào đầu một cái que vô trùng, tẩm vào mật ong rồi tẩm thuốc mà xoa khắp trong miệng, ngày 2, 3 lần.
Nếu không chữa sớm, nấm có thể lan rất nhanh xuống phía dưới bao phủ cả thực quản, dạ dày, gây ra tiêu chảy rất khó chữa và nguy hiểm hơn nữa là gây bệnh viêm phổi do nấm.
Để tránh cho trẻ nhỏ khỏi bị tưa miệng do nấm thì cần giữ vệ sinh trong khi nuôi trẻ như luộc kỹ chén, muỗng trước khi cho trẻ ăn, lau sạch đầu vú, rửa tay sạch trước khi cho trẻ bú… Nếu trong nhà có người mắc bệnh nấm – thường là cụ già thì nguồn lây chính là nước bọt, phân hoặc bụi. Điều cần chú ý thêm nữa là nhiều trường hợp cho trẻ dùng thuốc kháng sinh kéo dài (thường là trên 1 tuần) rất dễ có khả năng làm xuất hiện nấm ở miệng.
Quốc Trung (TNO)
Bình luận (0)