Tỉ lệ vô sinh thứ phát tại Việt Nam chiếm tới 60% và một trong những nguyên nhân chính là do phá thai không an toàn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 7-10% dân số ở độ tuổi sinh đẻ bị hiếm muộn (Tỉ lệ vô sinh ở những cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản trên thế giới dao động khoảng từ 14-20%). Trong đó, tỉ lệ vô sinh giữa nam và nữ là gần ngang nhau, cùng chiếm 40%, còn lại 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Tình trạng hiếm muộn hay vô sinh bao gồm vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát, trong đó, tại Việt Nam, vô sinh thứ phát chiếm tới 60%. Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ vô sinh thứ phát tăng cao là do phá thai không an toàn. Theo WHO, phá thai làm tăng nguy cơ vô sinh thứ phát cao gấp 2 lần so với những người không phá thai. Việt Nam được xem là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới với khoảng 600.000 trường hợp phá thai hàng năm.
Về điều trị vô sinh, mặc dù có những thành tựu đáng kể, góp phần làm giảm tỉ lệ hiếm muộn nhưng thụ tinh trong ống nghiệm vẫn là vấn đề nan giải đối với các cặp hiếm muộn, trong đó yếu tố kinh tế là một khâu quan trọng. Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương, có khoảng 45% người hiếm muộn có thu nhập thấp, khó có điều kiện để theo đuổi việc tìm con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhằm mục đích mở rộng đối tượng phục vụ là người nghèo, Khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương đã mở ra chương trình thụ tinh trong ống nghiệm 2 giảm (giảm chi phí điều trị và giảm căng thẳng cho bệnh nhân), trong đó mức giảm cho 1 ca thụ tinh trong ống nghiệm từ 4 -13 triệu đồng/1 ca.
Ngọc Thanh/dan tri
Bình luận (0)