Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nấm bẹn, không nên bạ gì bôi nấy

Tạp Chí Giáo Dục

Chồng em, ở hai bên háng chỗ ấy bị ngứa, da khô, chỗ ngứa có màu trắng. Vậy chồng em bị bệnh gì? Cách điều trị ra sao?

(Lê Thị Liên Nga – Điện Biên)

Trả lời: Như bạn mô tả, chồng bạn bị mắc bệnh nấm da, cụ thể là nấm bẹn. Nấm da (dermatophytes) thường gây bệnh ở những nơi có chất sừng (keratin) như ở da, lông, tóc, móng tay, móng chân, v.v.

Nấm da chủ yếu gây bệnh ở bề mặt da. Nó không lan xuống phần dưới của da như một số loài nấm khác, gây bệnh nấm hệ thống (systemic mycoses) hoặc một số các loài nấm men và nấm sợi có khả năng gây bệnh trong một số tổ chức của cơ thể.
Bệnh thường mang tên theo vị trí các phần khác nhau của cơ thể mà ở đó nấm gây nên bệnh như nấm da đầu, nấm tóc, nấm râu cằm, nấm kẽ vú, nấm mông, nấm bẹn, nấm kẽ chân, nấm móng, v.v.
Trường hợp chồng bạn là bị nấm bẹn (tinea inguinale). Bệnh này xuất hiện ở bẹn, thường chiếm một tỷ lệ rất cao trong bệnh nấm da, chủ yếu do loài Epidermophiton floccosum và chủng Trichophyton gây nên. Nơi nhiễm nấm là bẹn.
Tổn thương thường tạo thành một mảng có bờ viền rõ ràng, có vẩy, ở phía giữa có xu hướng lành và có mụn nhỏ lấm tấm ở phần xung quanh bờ viền. Đám tổn thương có màu xẫm, đường kính thường vài centimet. Bệnh gây nên ngứa ngáy khó chịu, thường xuất hiện cả hai bên bẹn, bệnh không làm ảnh hưởng gì tới khả năng sinh con.
Điều trị bệnh nấm bẹn thường dùng các thuốc bôi ngoài da, trị nấm như các dung dịch BSI 1 – 3% ASA, dung dịch axit econazil (pervaryl) clotrimazol (gromazol) hoặc bôi thuốc mỡ, kem như benzosali, axit crysophanic, funga, lamisil, các kem có chứa dẫn chất imidazol. Trường hợp nấm da diện rộng hay tái phát, phải kết hợp với uống thuốc chống nấm.
Nấm da có tới ba giống với 43 loài khác nhau. Bởi vậy tốt nhất nên đi khám ở chuyên khoa da liễu để lấy mẫu, cấy nấm xác định cụ thể chính xác loài nấm. Từ đó bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc thích hợp, vừa tránh tái phát, hiệu quả nhanh chóng, vừa đỡ tốn chi phí điều trị.
BS. Hoài Phương (TPO)

Bình luận (0)