Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cúm A/H1N1: Tử vong do điều trị muộn?

Tạp Chí Giáo Dục

Đến 27-10, tổng hợp từ Bộ Y tế cho thấy đã có 35 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Trong nửa tháng gần đây, nhóm tử vong thường gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai.
Theo dõi, chăm sóc bệnh nhân cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM – Ảnh: N.C.T.
Hôm 27-10, ông Lý Ngọc Kính, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng tỉ lệ tử vong cao do số mắc cúm A/H1N1 tăng cao. Nhưng xem xét lại từng trường hợp, tình trạng vào viện và được điều trị muộn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong.
Điều trị Tamiflu muộn
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, ở các trường hợp phụ nữ mang thai tử vong do cúm A/H1N1 gần đây thông thường 3-6 ngày kể từ khi khởi bệnh, bệnh nhân mới được điều trị bằng thuốc kháng virus Tamiflu. Còn hồi cứu 15 trường hợp tử vong đầu tiên do Cục Quản lý khám chữa bệnh tiến hành, có những bệnh nhân chín ngày sau khi khởi bệnh mới được điều trị bằng Tamiflu. Như vậy là quá muộn so với yêu cầu được uống Tamiflu tốt nhất trong 48g kể từ khi khởi bệnh. Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 27-10, một chuyên gia cho rằng thời gian bệnh nhân được uống Tamiflu muộn như kể trên, tác dụng của thuốc là hết sức hạn chế.
3 nhà cung cấp
văcxin cúm A/H1N1
Theo ông Trần Đức Long, hiện đã có ba nhà sản xuất văcxin cúm A/H1N1 nộp hồ sơ lên Bộ Y tế. Và mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế đang tích cực để có thể đưa văcxin cúm A/H1N1 về VN tiêm ngừa vào cuối quý 4-2009 như đã hứa.
Bộ Y tế đã có văn bản khuyến cáo các bệnh viện hạn chế tối đa chuyển bệnh nhân cúm A/H1N1 lên tuyến trên, tuy nhiên khâu điều trị ở tuyến dưới lại hoàn toàn chưa ổn. Ông Trần Đức Long, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đã gửi phác đồ điều trị cúm A/H1N1 về tất cả các bệnh viện, văn bản hướng dẫn cũng được cập nhật thường xuyên, và tinh thần chung hiện nay là bệnh nhân có triệu chứng cúm A/H1N1 là điều trị bằng Tamiflu, không đợi kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, vừa qua trường hợp bé 20 tháng tử vong có yếu tố dịch tễ (anh trai bé sốt, ho), bé sốt cao phải nhập viện, nhưng sau khi có kết quả xét nghiệm là dương tính với H1N1, em bé mới được điều trị bằng Tamiflu và đã tử vong.
Theo chuyên gia kể trên, trong tình hình hiện nay nên tập trung điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ cao như trẻ em, người có bệnh mãn tính kèm theo, phụ nữ có thai… Với những trường hợp này, bệnh nhân có triệu chứng cúm và các yếu tố dịch tễ kèm theo là điều trị Tamiflu sớm, không đợi xét nghiệm. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng điều trị cúm ở nhiều địa phương còn lúng túng, và tất cả các trường hợp tử vong thời gian qua đều kèm theo yếu tố được điều trị Tamiflu rất muộn.
Ảnh hưởng thời tiết
Các nước bắt đầu
tiêm phòng cúm
Ngày 27-10, Canada đã tiến hành tiêm văcxin ngừa cúm A/H1N1 trên diện rộng cho những người có nguy cơ cao. Đối tượng ban đầu được tiêm là phụ nữ có thai trên 22 tuần tuổi, người trưởng thành dưới 65 tuổi mắc các chứng bệnh mãn tính, thổ dân và nhân viên y tế. Bắt đầu từ tháng 11, đối tượng nhận văcxin sẽ được nhân rộng.
Tại Mỹ, nước này sẽ thiếu 44-55 triệu liều văcxin tính tới cuối năm, nhưng một nửa dân số nước này sẽ vẫn được tiêm phòng. Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước tình trạng lây lan nhanh chóng của loại virus này. Hàng triệu người ở Mỹ bị nhiễm và hơn 1.000 người đã thiệt mạng.
Tại Trung Quốc đại lục, trong tháng 10 đã có ba ca tử vong vì cúm A. Nước này đã tiến hành hai đợt tiêm văcxin ngừa cúm A/H1N1 cho người dân. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc có 33.064 ca được xác nhận là nhiễm cúm A/H1N1 tính tới ngày 23-10.
HẠNH NGUYÊN
(Theo AP, Reuters, THX)

Liệu cúm A/H1N1 đang mạnh lên? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi  với giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – một chuyên gia y tế ở Viện Garvan (Úc) – xung quanh vấn đề này.

* Với những báo động về cúm ở Mỹ, một số nước châu Âu… phải chăng cúm A/H1N1 đang mạnh lên?
– Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã có khoảng 420.000 người trên thế giới nhiễm virus cúm A/H1N1, trong số này có trên 5.000 người tử vong (tức tỉ lệ tử vong khoảng 1%). Thật ra, con số người bị nhiễm không đầy đủ vì một số nước đã quyết định không làm thống kê số ca bệnh nữa nên trong thực tế tỉ lệ tử vong có lẽ thấp hơn 1%.
Trong vài tuần gần đây, con số người bị nhiễm cúm A/H1N1 và số người tử vong có chiều hướng gia tăng, nhưng xu hướng này không phản ánh mức độ độc hại của virus, mà có thể do ảnh hưởng của thời tiết. Các nước châu Âu và châu Mỹ sắp vào mùa đông, thời gian lý tưởng cho sự phát triển của bệnh cúm, nên các giới chức y tế ở đây tiên đoán số người mắc bệnh cúm, kể cả cúm A/H1N1, sẽ gia tăng trong vài tháng tới.
* Trong tình hình này, hướng dẫn của WHO có gì mới?
– Không thấy WHO có hướng dẫn gì mới. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh của Mỹ (CDC) mới ra khuyến cáo về phác đồ điều trị. CDC khuyến cáo ưu tiên nhận dạng bệnh nhân có nguy cơ cao, ngay cả trong trường hợp xét nghiệm chưa có, hay xét nghiệm có kết quả âm tính. Đối với những trường hợp này, thuốc kháng virus có thể được chỉ định, có nghĩa điều trị trước và sẽ xem xét sau. Triết lý cơ bản của phác đồ này là: điều trị bệnh nhân chứ không phải điều trị kết quả xét nghiệm!
* Với những đối tượng nguy cơ cao (trẻ em, người già, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính), cần phải có cơ chế phòng vệ (cơ quan y tế và cá nhân) như thế nào để tránh tử vong cho họ?
– Phương án phòng chống cúm và giảm nguy cơ tử vong trong cộng đồng vẫn chủ yếu dựa vào văcxin. Tuy nhiên, hiệu quả của văcxin chưa mấy rõ ràng, và có nhiều chuyên gia dịch tễ học chất vấn văcxin có thật sự giảm tử vong trong cộng đồng?
Vì vậy phương án phòng bệnh tốt nhất vẫn là phương pháp cổ điển của y tế cộng đồng: vệ sinh cá nhân. Đường lây lan chính của virus H1N1 là từ người sang người. Hắt hơi được xem là một yếu tố nguy cơ lây lan của vi khuẩn. Do đó cần hướng dẫn người dân cách che mũi bằng tay, giấy. Ngoài ra, biện pháp phòng ngừa khá đơn giản nữa là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Thói quen này được xem là rất hữu hiệu cho việc phòng ngừa virus cúm ở quy mô cộng đồng.
Ở nhà và cơ quan hay trường học, những chỗ virus thường “nương tựa” là bàn ghế, cửa, vật dụng có tay cầm… Nghiên cứu khoa học cho thấy virus phát triển trong điều kiện nhiệt độ ôn đới. Ở nhiệt độ 250C, virus cúm A/H1N1 chỉ có thể sống trên mặt bàn khoảng 2 giờ mà thôi. Do đó cần phải khử trùng những nơi virus lưu trú một cách triệt để.
LAN ANH (TTO)

Bình luận (0)