Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trong việc thực hiện chấm chéo tỉnh, Bộ đã chỉ đạo ban ra đề thi phải soạn đáp án chi tiết đến một phần tư điểm.
Học sinh lớp 12 trường Trần Phú, Hà Nội xem lại đáp án sau giờ kiểm tra
Ảnh: Hồng Vĩnh |
Sáng 21/5, Ban chỉ đạo thi Bộ GD&ĐT họp trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT trên toàn quốc nhằm giải đáp tức thời những thắc mắc cho các địa phương về các quy định liên quan tới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009. Nội dung thắc mắc của các địa phương xoay quanh một số vấn đề như chế độ kinh phí cho ban công tác cụm thi; phầm mềm quản lý thi, chấm thi; chấm chéo tỉnh v.v…
Về chấm chéo tỉnh, tại cuộc họp, Sở GD&ĐT TPHCM băn khoăn khi địa phương mình là nơi phải gửi số lượng bài rất lớn tới năm tỉnh khác chấm (dự kiến Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bến Tre), đồng thời phải chấm bài cho nhiều tỉnh khác, liệu đáp án có đủ tường minh, chi tiết… để đạt sự nhất quán cao của giám khảo dù chấm thi ở bất kỳ địa phương nào? Trước thắc mắc này, Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định, Bộ GD&ĐT đề nghị với ban ra đề thi biên soạn đáp án, thang điểm thật cụ thể, rõ ràng, chi tiết và chính xác. Theo đó, thang điểm sẽ cụ thể đến từng một phần tư điểm.
Đại diện nhiều địa phương nêu ý kiến: Làm thế nào để kiểm soát được việc thí sinh làm có đúng phần riêng theo mà các em đã đăng ký trước khi dự thi? Trước câu hỏi này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục trả lời:
Đề bài có hai phần, phần chung dành cho học sinh tất cả các ban (ước chừng khoảng 80 phần trăm nội dung đề) và phần riêng (khoảng 20 phần trăm còn lại). Với phần chung, tất cả thí sinh đều phải trả lời tất cả các câu hỏi.
Với phần riêng, thí sinh chỉ được chọn một nội dung phù hợp với chương trình theo học để trả lời. Nếu thí sinh nào chọn cả hai nội dung (dù một nội dung làm hoàn chỉnh, nội dung còn lại chỉ lỡ trả lời một câu hỏi), học sinh đó sẽ không được chấm điểm phần riêng.
Có địa phương đặt vấn đề: Hiện nay có nhiều văn bản của Nhà nước quy định xã nào thuộc vùng cao, vùng sâu, hải đảo, khu kinh tế mới, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn II…, vậy những văn bản nào có hiệu lực trong việc vận dụng xét tốt nghiệp cho thi sính. Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định: Tất cả những văn bản có hiệu lực đều được xem là căn cứ để các địa phương vận dụng trong xét tốt nghiệp cho thí sinh và Bộ sẽ sớm có văn bản chỉ đạo để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Sở GD&ĐT Cà Mau phàn nàn: Hiện nay Cà Mau đã nhận được quyết định cử 47 cán bộ, giảng viên trường của một trường Cao đẳng Y tế đến làm giám thị coi thi ở địa phương này. Tuy nhiên, trong danh sách đó có những người chỉ là nhân viên của trường nên không đủ chức năng, trình độ làm công tác coi thi.
Trước phản ánh này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ nhắc nhở các trường ĐH, CĐ về việc cử đúng cán bộ có chức năng, có năng lực – trình độ tham gia công tác thanh tra, giám thị trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009.
Đại diện Sở GD&ĐT nhiều địa phương hỏi, khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi tự luận, thí sinh được phép nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp và ra khỏi phòng thi, thí sinh có được ra khỏi khu vực thi, ông Trần Văn Nghĩa, Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục cho hay.
Hội đồng thi có thể cho thí sinh rời khỏi khu vực thi.
|
Quý Hiên (TPO)
Bình luận (0)