Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đường đến thủ khoa của học trò nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Những thủ khoa, đặc biệt là thủ khoa các trường đại học danh tiếng thường là những học sinh đến từ những trường THPT chuyên có tiếng. Thế nhưng kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, nhiều người không khỏi bất ngờ khi có nhiều thủ khoa “xuất thân” từ những “trường làng”. Con đường nào đưa những cô cậu học trò thiếu thốn điều kiện học tập ấy lên đỉnh vinh quang?
*Nguyễn Duy Hải (thủ khoa ĐH Ngoại thương, cơ sở 1):
Điểm thủ khoa là của bố mẹ!
Đạt thủ khoa với số điểm 29 là một bất ngờ với Nguyễn Duy Hải (xóm 5, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Ngoại thương vốn được xem là trường “đỉnh”, “dân chuyên” mới dám thi vào, nhưng bất ngờ, thủ khoa là một cậu học trò nghèo ở Nghệ An.
Gia đình có hai chị em, chị Hải cũng học giỏi, hiện là SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội. Hải vẫn đùa “chị truyền em nối” nên ý thức học tập của Hải được rèn từ nhỏ. Dù là một “lao động trụ cột” trong nhà (vì cha mẹ Hải sức đã yếu), nhưng cậu học trò nông dân này vẫn luôn ưu tiên cho việc học mọi lúc mọi nơi. Những “cột mốc” đáng nhớ trong quãng đời học sinh của Hải: 12 năm liền là học sinh giỏi toàn diện, năm lớp 5 đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, năm lớp 12 giải nhất toàn tỉnh Nghệ An môn Toán với số điểm tuyệt đối 20/20.
Duy Hải và bộ sưu tập bằng khen của mình ở nhà
Luôn được bố mẹ nhắc nhở học không phải là một cuộc đua nên Hải cũng không đặt áp lực phải vượt lên đứng đầu mà chỉ chú trọng đến sở thích để phát huy năng lực của mình. “Cơ bản là em thích học nên việc học đến với em khá nhẹ nhàng. Ở lớp em nghe giảng không chỉ với sự tập trung mà còn rất say mê, nên các kiến thức được nắm chắc ngay tại lớp. Về nhà, trên cái nền đó, em luyện thêm bằng các bài tập nâng cao, các đề thi thử… Lý thuyết và bài tập bổ sung cho nhau sẽ gợi mở thêm nhiều điều giúp mình có khả năng tư duy, phản xạ trước các dạng đề thi”, Hải chia sẻ về bí quyết học tập.
Năm lớp 9, có thời gian Hải đua đòi theo bạn bè chơi game, sa sút việc học. Bố Hải – ông Nguyễn Duy Bốn – không một lời quát mắng mà chỉ yêu cầu con theo mình đi phụ hồ. Đội nắng, lội mưa với công việc nặng nhọc cùng bố kiếm từng đồng bạc, Hải đã bật khóc khi nghĩ, những gì bố mẹ đang chịu đựng đều vì con cái. Nhờ thế, Hải “cắt” được cơn nghiện game.
Hải nói ngắn gọn về thành tích của mình: “Điểm thủ khoa em đạt được là điểm của bố mẹ!”.
*Nguyễn Hoàng Ý Như (thủ khoa Trường ĐH An Giang):
Biết chọn “điểm rơi phong độ”
Sau khi Trường ĐH An Giang công bố kết quả tuyển sinh, bà con trong xóm đã kéo đến nhà em Nguyễn Hoàng Ý Như (TP.Long Xuyên, An Giang) để chúc mừng cô học trò nghèo đạt thủ khoa.
Ý Như và ba mẹ bên góc học tập của mình
Cấp I, cấp II học lực của Như chỉ ở mức "vừa vừa" như lời cô bộc bạch. Hết năm lớp 9, Như có một quyết định táo bạo: thi vào Trường chuyên Thoại Ngọc Hầu. Ba mẹ Như vốn là lao động nghèo, thấy con gái có quyết tâm nên ủng hộ và tạo điều kiện hết mình. Kết quả là Như đã đường hoàng bước vào ngôi trường mơ ước của mọi học sinh An Giang. Những ngày đầu ở môi trường mới, Như choáng ngay với khối lượng bài vở rất nhiều và nhất là các bạn đều học rất giỏi. Thấy mình không bằng các bạn khi kết quả kiểm tra không cao, có lúc Như đã rất thất vọng về mình. Khi đó, ba mẹ và anh trai luôn an ủi, động viên: “chuyện đã qua không tính, phải hướng đến tương lai và cố gắng từng bước khắc phục điều gì mình còn thiếu, yếu”. Từ lời khuyên đó, Như bừng tỉnh và nghĩ mình còn có gần ba năm để phấn đấu. Như chuyển hướng mục tiêu: không còn tính đến việc bằng mọi giá phải đứng nhất nhì lớp, mà quan trọng nhất là nắm vững kiến thức. Điều này đã giúp Như thành công.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, Như không đến các lớp học thêm, Như kể: “Lúc đó, em không ép mình phải giải các bài tập nâng cao, chuyên sâu mà song song với việc học ở lớp, em dành thời gian xem kỹ lại bài vở từ đầu và mày mò giải bài tập. Bài nào không biết thì đọc thêm sách, lên mạng tìm hiểu hoặc hỏi thầy, hỏi bạn và quyết không “phất cờ trắng”.
Xác định năm học cuối cấp đặc biệt quan trọng và kỳ thi đại học mang tính quyết định cho tương lai nên Như chọn đây là “điểm rơi phong độ” và đã tung “nước rút” cho năm học này, băng băng về đích với kết quả đứng nhất lớp rồi thẳng tiến đại học trong sự ngạc nhiên, nể phục của bạn bè và niềm vui vô bờ của gia đình.
*Nguyễn Thị Thanh Hà (thủ khoa Trường ĐH Kinh tế – luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Vừa chơi vừa học
Thủ khoa Thanh Hà (bìa phải) cùng bố mẹ và hai chị
“Bướng, ít giận, hay cười và mê chơi như mê học” là tự bạch của Nguyễn Thị Thanh Hà – thủ khoa Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) với số điểm 28,5. Trong khi hầu hết các bạn đạt danh hiệu thủ khoa đến từ các trường chuyên, thì Hà lại là “công dân” của trường dân lập Nguyễn Khuyến. Tuy nhiên, kết quả này không làm thầy cô, gia đình ngạc nhiên, bởi thành tích học tập của Hà trong 12 năm học luôn ở tốp trên và là học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, giải nhì cuộc thi máy tính Casio tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Phạm Thị Loan – mẹ của Hà hồ hởi: “Vợ chồng tôi không bao giờ đặt áp lực, buộc con phải đạt thành tích, điểm số này kia  và chính điều đó đã giúp cháu thoải mái trong việc học”. Với quan điểm thoáng như thế của gia đình, Hà luôn đến trường với tinh thần vô tư nhưng rất tự tin.
Ba là đầu bếp, mẹ là nhân viên khách sạn, thu nhập của ba mẹ Hà gói ghém lắm mới đủ nuôi ba cô con gái ăn học. Vì vậy, Hà đã sớm ý thức rèn cho mình tinh thần tự lập. Hà tự đặt ra cho mình một nguyên tắc: “Vào lớp tập trung nghe giảng bài, về nhà đọc thêm sách, giải thêm bài tập. Bài tập nào khó quá…  bỏ qua, chuyển sang bài khác hay đi xem tivi, nghe nhạc, khi tinh thần thoải mái mới quay lại “chiến đấu” tiếp". Đó chính là bí quyết của Hà trong suốt 12 năm học. Hà chia sẻ: “Hầu hết học sinh tụi em đều có xuất phát điểm giống nhau: kiến thức, môi trường sư phạm… nhưng điều tạo nên sự khác biệt là yếu tố tinh thần thoải mái và tâm lý vững vàng. Khi có được hai điều này mình sẽ tiếp thu bài vở rất nhanh và nhớ dai. Vì vậy, em vẫn hay vừa học, vừa chơi”. “Cái chơi” của Hà cũng chẳng giống ai. Khi căng thẳng chuyện học hành, Hà lấy việc dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn làm thú giải trí – vì theo Hà “rất thú vị khi nấu được những món ăn mà người thân hay mình thích và phụ giúp được gia đình dù là chuyện nhỏ”.
Hà còn được biết đến là người dám thử thách mình. Đang yên lành ở một ngôi trường THPT tại Vũng Tàu, 11 năm liền được biết tiếng là học sinh giỏi, bỗng dưng cuối năm lớp 11 Hà xin gia đình chuyển trường lên TP.HCM học. Ba mẹ Hà băn khoăn vì sợ chuyển môi trường mới, phải sống xa nhà và lại là năm học cuối cấp sẽ ảnh hưởng đến việc học của Hà, nhưng Hà cũng lấy chính những lý do đó để thuyết phục gia đình vì muốn được thử thách. Ở môi trường mới, Hà hòa nhập rất nhanh, tiếp tục giỏi đều ở các môn như 11 năm qua. Nói về việc học, Hà cười nhẹ tênh: “Khả năng của mình đến đâu thì học đến đó, học là để tích lũy kiến thức và nâng cao khả năng tư duy cho mình chứ đâu phải vì mục đích trổ tài hay ganh đua với ai mà phải nhồi nhét quá sức”. Còn về ước mơ, Hà thổ lộ: “Em không phải phân vân nhiều việc chọn nghề, vì em quan niệm, làm công việc gì cũng được, miễn làm tốt là hữu ích cho mình, gia đình và xã hội”.
Theo Phunu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)