Nhiều trường ĐH-CĐ đang tìm cách thu hút người học bằng nhiều hình thức, từ rải tiền với mức học bổng “khủng”
đến chi hoa hồng cho các “cò” môi giới thí sinh đăng ký nhập học và sẵn sàng tặng điểm cho thí sinh nhằm đạt chỉ tiêu tuyển sinh.
Có trường lần đầu tiên tuyển sinh đã hào phóng dành hẳn 500 suất học bổng toàn phần cho SV ĐH khóa học năm thứ nhất gồm trọn gói chi phí ký túc xá, ăn uống, chăm sóc sức khỏe và cả… trang bị laptop cho SV. Trường khác thì dành học bổng toàn phần lên đến hàng ngàn USD cho người học…
Thế nhưng xem kỹ lại thì học bổng toàn phần chỉ được xét trao cho SV năm đầu tiên. Những năm tiếp theo, muốn tiếp tục nhận được học bổng thì SV phải chấp nhận tham gia “cuộc chơi xét duyệt” với điều kiện vô cùng ngặt nghèo mà phần thắng thấy trước thuộc về các trường. Bởi theo thừa nhận của một cán bộ trường ĐH, hầu hết SV của trường đạt điểm trung bình, tức không thể nhận học bổng “khủng” vào những năm sau. Như vậy, nếu trước mắt các trường có vẻ vung tiền “câu” người học thì sau này khi đã “dính câu”, các SV có thể rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Hệ lụy có thể nhìn thấy trước của tình trạng “mang con bỏ chợ” của các trường là sau năm đầu tiên có vẻ được ưu ái với học bổng “khủng” thì SV phải đối mặt với mức học phí cùng hàng loạt chi phí “khủng” không kém. Mức học phí “khủng” lên đến hàng ngàn USD này dễ nằm ngoài sức chịu đựng của nhiều gia đình. Việc “bỏ của chạy lấy người” đối với nhiều SV cả tin và mê đắm vào chính sách học bổng có vẻ hậu hĩnh của các trường là khả năng khó tránh khỏi.
Chất lượng đào tạo sẽ làm nên thương hiệu của các trường. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đang thí ngiệm môn vật lý chất rắn. Ảnh: HTD
Giáo dục là lĩnh vực đặc thù. Chất lượng đào tạo làm nên thương hiệu của các trường. Cạnh tranh bằng thương hiệu mới là cạnh tranh lành mạnh, bền vững. Các trường (nhất là trường mới thành lập, trường còn mù mờ thương hiệu và nổi trôi chất lượng đào tạo) nếu không muốn xa rời mục tiêu giáo dục thì phải chấp nhận tham gia cuộc cạnh tranh lành mạnh và bền vững đó.
Thay vì mang tiền ra nhử người học và vô hình trung làm rẻ hóa vị thế chính mình, các trường cần thẳng thắn nhìn nhận khó khăn trước mắt nếu có và chấp nhận “thắt lưng buộc bụng” để củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng thương hiệu.
Tôi tin rằng nhiều người sẽ giật mình khi nghe mức học phí của một số trường ĐH tư. 60 triệu đồng/năm, tức 240 triệu đồng/bốn năm học – một người bạn đang học năm thứ hai ở một trường ĐH tư đã cho tôi biết như vậy. Hỏi “Có nhất thiết phải học một trường chẳng tiếng tăm nhưng thu tiền mắc mỏ?”, bạn nói: “Không đủ sức thi vào trường khác, ráng theo để có bằng ĐH”.
Do nhà khá giả nên bạn ấy có thể theo hết bốn năm học nhưng với những trường hợp khó khăn hơn thì sao? Có lẽ các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ về những cái lợi trước mắt ngắn ngủi nếu có và những phát sinh dài hạn về sau để không bị uổng phí mấy năm học dang dở.
MINH TIẾN
Có nhiều lý do khác nhau để các trường ĐH, CĐ kém chất lượng đua nhau thu hút thí sinh. Nhưng các thí sinh và phụ huynh cần hết sức tỉnh táo để có những quyết định đúng đắn. Bằng ĐH không phải là tấm vé thông hành cho tương lai. Nếu sức học trung bình, thậm chí là dưới trung bình, các học sinh có thể học nghề hoặc chọn cho mình một công việc vừa sức để không mắc bẫy các chiêu khuyến mãi của một số trường.
MINH NGUYỆT
Chúng tôi sẽ tổ chức thanh tra công tác xét tuyển của các trường, tất cả trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm túc. Các trường không nên làm những việc chỉ có lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài của mình. Có thể thấy hấp dẫn, thí sinh nộp đơn vào học nhưng nếu chất lượng của trường không bảo đảm thì chỉ sau thời gian ngắn, thí sinh sẽ bỏ học, lúc đó vừa lãng phí cho thí sinh, vừa lãng phí cho trường, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của nhà trường.
Ông BÙI VĂN GA, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (TheoSGGP)
|
Theo LÊ CÔNG SĨ
(phapluatp)
Bình luận (0)