Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết: Diễn biến phức tạp

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch bệnh TCM & SXH ngày càng diễn biến phức tạp

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: “Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 6.257 ca sốt xuất huyết (SXH), 1.715 ca tay chân miệng (TCM). Riêng tháng 7, có gần 1.000 ca SXH và 351 ca TCM, điều đáng nói là có rất nhiều ca bị biến chứng nặng”…
Bác sĩ “sốc” vì nhiều bệnh nhi sốc
Tại BV Nhi đồng II, cho tới thời điểm này đã có 3 ca tử vong vì TCM, trong đó 2 ca ngụ tại TPHCM. “Nhiều bệnh nhi bị sốc rất nguy hiểm khi nhập viện, còn bác sĩ chúng tôi thì “sốc” vì đa số ca bệnh được đưa tới quá trễ”  bác sĩ Vũ Quang Vinh – Phó Trưởng khoa Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi đồng II cho biết.
Trong tháng 6 và tháng 7, BV Nhi đồng II ghi nhận gần 1 ngàn ca đến khám bệnh liên quan đến SXH, trong đó có 350 ca phải nhập viện điều trị nội trú. Theo bác sĩ Vinh, SXH không gia tăng nhưng trong tháng 6 đã có 2 ca tử vong do nhập viện muộn, bệnh tiến triển nặng.
Tại BV Nhi đồng I, Thạc sĩ – bác sĩ Lê Bích Liên, Trưởng khoa SXH cũng cho biết, hai tuần qua số ca SXH nhập viện không tăng nhưng số ca có sốc khá nhiều. Nhất là các bệnh nhi tại Tiền Giang và một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Liên tiếp trong tháng 7, BV đã cấp cứu 5 ca sốc nặng với triệu chứng tổn thương đa cơ quan do SXH. Hiện trung bình có khoảng 60 – 70 ca khám/ ngày, số nhập viện khoảng 10 ca.
Trong khi đó, bệnh TCM tại hai BV này lại có dấu hiệu tăng bất thường. Từ đầu năm tới nay, tại BV Nhi đồng II đã có 1.044 ca mắc bệnh TCM phải điều trị nội trú. Số lượt bệnh nhi đến khám bệnh TCM tại phòng khám là 8.775 ca. Nếu trong tháng 6 chỉ có 1.191 ca khám bệnh TCM ngoại trú thì trong tháng 7 con số này tăng lên 1.996 ca, nhập viện điều trị nội trú tháng 6 là 139 ca và tháng 7 là 221 ca. Cũng như SXH, tại đây cũng có 2 ca tử vong do biến chứng nặng.
Ở BV Nhi đồng I, ngày 5 – 8 ghi nhận có 30 ca TCM đang điều trị tại khoa Nhiễm. Bác sĩ trưởng khoa Trương Hữu Khanh cho rằng: “Diễn tiến bệnh năm nay rất bất bình thường vì thời điểm này mọi năm số ca mắc TCM thường giảm. Liên tiếp trong 4 tuần của tháng 7 có tới 4 ca bệnh nặng, rất may đều được cứu sống. Hiện tại vẫn còn ¼ số ca đang phải điều trị tích cực cho thở máy” .
Cần phát hiện sớm ca bệnh
BS Quang Vinh – BV Nhi đồng I cho biết : “Nhiều trường hợp sốc TCM có biểu hiện run chi, yếu mệt, lơ mơ. Lúc này, virus đã tấn công vào khu vực não và thần kinh trung ương. Do vậy việc cứu chữa chỉ còn… vớt vát. Bên cạnh đó, việc theo dõi những ca SXH bị sốc rất cực cho các bác sĩ và điều dưỡng vì nếu truyền dịch sớm quá hay muộn quá cũng rất khó khăn cho công tác điều trị do truyền dịch không đúng thời điểm bệnh nhi dễ bị phù phổi cấp, nguy cơ tử vong là rất cao”.
Theo bác sĩ Khanh thì: “Để cứu sống các bệnh nhi TCM bị sốc, quan trọng nhất là theo dõi sát, phát hiện sớm các biến chứng để can thiệp kịp thời. Do vậy việc nhận biết những biến chứng của TCM là rất quan trọng. Khi ấy bệnh nhi thường sốt kèm bứt rứt, khó ngủ, quấy suốt đêm, nếu ngủ thì sẽ ngủ li bì. Đặc biệt, các bé mắc bệnh TCM khi có biến chứng thường hay giật mình và giơ hai tay lên. Những cơn giật mình này thường xuất hiện khi trẻ thiu thiu ngủ hoặc đang ngồi chơi. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng này cần phải đưa ngay vào BV. Nếu để trễ từ 6 – 12 tiếng đồng hồ, có thể bệnh nhi sẽ bị co giật, hôn mê, thở khó, lúc đó các BS rất khó cứu chữa”.
Trong tháng 6-2009, các bệnh viện (BV) tại TP.HCM ghi nhận 6 ca tử vong do SXH và 5 ca tử vong do TCM. Trong tháng 7, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 4 ca tử vong do SXH và TCM.
Năm học mới đã cận kề, người dân thành phố không chỉ chống chọi với dịch cúm A/H1N1 mà còn phải đối mặt với 2 bệnh truyền nhiễm là SXH và TCM. Điều đó càng khiến cho các bậc phụ huynh quan ngại hơn. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng – Phó giám đốc BV Nhi đồng I khuyến cáo: “Đối với những bệnh nhi bị sốt từ ngày thứ ba trở lên mà chưa tìm thấy nguyên nhân cần đưa đến BV thử máu để tìm bệnh SXH. Những bệnh nhi đã được xác định mắc SXH nhưng điều trị ngoại trú cần nhập viện ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: chân tay lạnh, mạch nhanh – yếu; nằm li bì, bỏ ăn uống; đau bụng vùng gan, kèm nôn ói; chảy máu mũi, máu răng, nôn ra máu hoặc tiêu phân đen. Đối với những bệnh nhân bị loét họng hoặc có nốt hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân cần được đưa đến bác sĩ chuyên khoa nhi khám để tầm soát bệnh TCM…”.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)