Mày đay là chứng bệnh ngoài da rất phổ biến. Đa số người bệnh chủ quan, không đi khám, nên có những trường hợp bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, có thể gây biến chứng nguy hiểm.
BS Nguyễn Thế Viện – ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: Trung bình một ngày có từ 10 – 20 bệnh nhân mày đay đến khám. Trong đó, có tới 60% trường hợp mắc bệnh mãn tính là nữ giới.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân, trong đó, thức ăn là thành phần dễ gây dị ứng nhất: sữa, trứng, cá biển, tôm cua, sò, ốc, phô mai, đồ hộp, mắm, tương, chao, sô-cô-la, rượu, bia; các chất tạo màu thực phẩm và các chất bảo quản thực phẩm. Tiếp đó là thuốc. Một số thuốc hay gây dị ứng như: Pennicillin (nguy hiểm nhất), Aspirin, kháng sinh, huyết thanh, vaccine…
Ký sinh vật như giun, sán; côn trùng như: muỗi, rệp; lá cây, sâu bọ, nước, gió… cũng dễ gây dị ứng. Ngoài ra, mày đay cũng có thể xuất hiện do mệt nhọc, gắng sức, stress; thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh…
Triệu chứng
Mày đay có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng có giới hạn, tròn hoặc không đều, kích thước vài mm đến vài cm.
Các thương tổn mày đay nếu xuất hiện ở niêm mạc đường hô hấp có thể gây khó thở, ở niêm mạc dạ dày bệnh nhân có thể gây đau bụng từng cơn. Mày đay tiến triển thành từng đợt, mỗi đợt không quá vài ba ngày, sau đó tự nhiên lặn và không để lại dấu vết. Nhưng nhiều khi bệnh có xu hướng biến thành mãn tính. Đặc biệt, những biến chứng của bệnh mày đay có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa
Khi bị nổi mày đay, không nên "gãi cho đã ngứa" mà chỉ nên xoa nhẹ vùng da bị tổn thương. Có thể áp lạnh hoặc tắm lạnh, tránh tắm nóng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, mặc quần áo cotton rộng rãi, không quá dày, tránh các hoạt động nặng hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi; sử dụng điều hòa không khí ở nhiệt độ phòng khoảng 25 – 27 độ C.
Những người dễ bị khô da khi trời lạnh, hanh, nên gội đầu bằng bồ kết thay vì dầu gội đầu thông thường, bởi hóa chất trong dầu gội dễ gây kích ứng da tay và da đầu.
Đối với những người bị bệnh do thời tiết lạnh thì nên giữ ấm khi ra ngoài, không ra gió lạnh, sương lạnh quá sớm để có thể phần nào hạn chế được ban ngứa. Nên giữ làn da luôn mềm, mịn bằng các loại kem dưỡng da phù hợp; không dùng các thức ăn và đồ uống có cồn, cay hoặc nóng như rượu, trà, cà phê…
Hiện có rất nhiều loại thuốc giảm ngứa đã được nghiên cứu và sử dụng có hiệu quả. Những thuốc này có thể dùng tại chỗ hoặc toàn thân. Tinh dầu bạc hà có tác dụng làm mát da và giảm cảm giác ngứa, thường được bào chế dưới dạng kem bôi với nồng độ 1% – 2%, sử dụng ba – bốn lần mỗi ngày.
Theo Phụ Nữ
Bình luận (0)