Nuốt – một trong những chức năng quan trọng của sự sống. Nuốt là một cơ chế cơ bản, sống còn của cơ thể, qua đó thực hiện được hai yêu cầu của cơ thể là chức năng dinh dưỡng và chức năng bảo vệ đường thở. Nuốt cũng giúp cho quá trình làm sạch đường hô hấp và tiêu hóa trên.
Cơ chế nuốt
Nhờ sự tiến bộ trong chẩn đoán của y học như Xquang, siêu âm, nội soi, chụp cắt lớp… giúp cho chúng ta hiểu rõ về cơ chế nuốt. Từ đó góp phần chẩn đoán các bệnh lý ảnh hưởng tới quá trình nuốt. Nuốt vướng xảy ra khi có sự cản trở của quá trình nuốt ở bất kỳ giai đoạn nào.
Quá trình nuốt được diễn ra qua 3 thì: thì môi miệng, thì họng và thì thực quản. Mỗi thì có một chức năng riêng giúp cho nuốt được hoàn thành.
Nuốt vướng khi nào là nguy hiểm?
Cơ chế nuốt bị ảnh hưởng nhiều bởi các quá trình sinh lý như tuổi già, tiền mãn kinh… hay các quá trình bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý khối u vùng tai – mũi – họng. Nuốt vướng là cảm giác chủ quan của người bệnh. Hiện tượng này được chia ra làm 2 loại:
Nuốt vướng không nguy hiểm: xuất hiện khi nuốt nước bọt, trong khi ăn và uống không bị ảnh hưởng thường được gọi là loạn cảm họng. Trường hợp này không có những tổn thương thực thể mà do những rối loạn cảm nhận tại các đầu mút dây thần kinh tham gia vào cơ chế nuốt do viêm họng mạn tính, viêm thực quản trào ngược, viêm xoang, do thiếu oxy máu lên não (hội chứng cổ)…
Nuốt vướng nguy hiểm cần xử trí: cảm giác nuốt vướng này xuất hiện thường xuyên khi ăn uống và ngày càng tăng. Đây là một trong những triệu chứng để chẩn đoán các khối u đường tiêu hóa. Khối u có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào: khối u lưỡi, u amiđan, đặc biệt là u màn hầu và u hạ họng, u thực quản lành hoặc ác tính… Dị vật đường ăn: bệnh nhân hóc xương, hóc đồng xu… Ngoài ra trong trường hợp răng miệng bị ảnh hưởng bởi các can thiệp phẫu thuật nhổ răng, mổ u nang chân răng hoặc tia xạ thì sẽ có những xáo trộn trong quá trình nuốt. Bên cạnh việc các cấu trúc giải phẫu tham gia vào cơ chế nuốt bị thay đổi, các tuyến nước bọt cũng bị ảnh hưởng dẫn đến giảm tiết dịch, làm cho quá trình tiêu hóa thực hiện khó khăn hơn. Bệnh nhân ăn giảm cảm giác ngon miệng, rát miệng khi ăn uống. Những trường hợp này cần được thăm khám tỉ mỉ và có thể được làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng giúp cho quá trình chẩn đoán được chính xác và có phác đồ điều trị thích hợp.
ThS. Phạm Bích Đào /Phụ Nữ
Bình luận (0)