Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn chay cũng… bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Ăn chay phòng được nhiều bệnh và góp phần… bảo vệ môi trường.

Thế nhưng, TS Nguyễn Thị Minh Kiều – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM cho rằng, hiện có nhiều người ăn chay không đúng cách. Vì thế, đã có không ít trường hợp dở khóc dở cười vì ăn chay mà… mắc bệnh.
Đang chay ngả mặn
Đầu đời ăn chay, cuối đời ngả mặn là trường hợp của bà Bảy, nhà ở Phú Lâm, TP.HCM. Thâm niên ăn chay trên 30 năm của bà gần như đổ sông đổ biển chỉ vì bác sĩ buộc bà phải ăn mặn. Bởi bà bị loãng xương, tiểu đường, phải nằm một chỗ. Một số người ăn chay một thời gian thì phát hiện mình bị bệnh tiểu đường, tim mạch. Còn chị Sum, ăn chay trường trên 10 năm, khi đi kiểm tra sức khỏe,  lại bị tăng cholesterol máu. Bác sĩ đề nghị chị uống thuốc. Chị thắc mắc, ai cũng nói ăn chay không mắc bệnh tim mạch, huyết áp rất tốt, sao tôi ăn chay mà vẫn bị?
Trước hết, phải nói rằng, bệnh không chừa một ai, dù người giàu hay nghèo, lao động trí óc hay chân tay… Những nghiên cứu khoa học cho biết, người ăn chay cũng bị bệnh, chỉ có điều ít hơn người không ăn chay mà thôi.
Ăn chay không đúng cách
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, thay đổi cách ăn uống cũng gây nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nếu ghé vào quán chay, chọn vài món, bạn sẽ thấy ăn chay ngày nay đã khác xưa. Bà Bảy nói: "Trước kia tôi ăn chay chỉ cơm chao, rau luộc thì nay đã có nhiều món để chọn, từ gà nấu cà ri đến bún mắm, cơm chiên Dương Châu, mì xào đến bánh xèo… Nước tương, nước mắm, mắm tôm… có đủ. "Nhấm nháp" hương vị món chay sẽ thấy không thua gì món mặn, bởi các món xúc xích, thịt gà, thịt vịt, bò viên chay đều được thủy phân đạm, nên mất đi mùi đậu nành đến 70%. Thêm vào đó, để đạt tới mức độ… không thể phân biệt là chay hay mặn, các đầu bếp thường nêm nếm đậm đà hơn. Trong khi đó, mặn quá có hại cho tim vì cơ thể tích nước. Ngọt quá, béo quá thì thừa năng lượng, gây tích mỡ trên các vùng trọng điểm (bụng, đùi, eo, nội tạng). Các món ăn miền Nam lại pha thêm nhiều nước cốt dừa như: bánh tằm, cà ri, các loại xôi chè, thạch… Đó là chưa kể một số cửa hàng chay dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, nhiệt độ quá nóng, thời gian quá lâu, làm biến đổi chất lượng dầu, làm tăng chất cholesterol xấu LDL, đồng thời làm giảm cholesterol tốt HDL trong máu. Chưa kể, dùng chế độ ăn nhiều đường, bột, béo trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối đạm, đường, béo và thiếu một số chất dinh dưỡng khác.
Ăn chay chữa bệnh
Quan niệm về ăn chay của đạo Phật là ăn thanh đạm. Không phải ai ăn chay cũng bị bệnh mà ngược lại có nhiều người ăn chay hết bệnh. Sau thời gian ăn chay theo những gì mình… nghĩ, bà Lan bị đau nhức khớp (đứng lên phải có người kéo, đỡ…), tăng huyết áp. Vì thế, bà phải thay đổi thói quen ăn uống. Bà nói: "Tôi ăn nhạt dần, không ăn dưa cà, chao vì quá nhiều muối. Không ăn các món chiên, hạn chế ăn món xào. Mỗi ngày đều ăn trái cây hoặc ít nhất là một quả chuối. Ăn nhiều rau xanh trụng qua nước lèo chay để không phải chấm thêm mắm, muối. Mỗi ngày uống một ly sữa đậu nành và một viên multivitamin. Không ăn mì gói vì loại mì này đã được chiên bằng dầu. Dùng mỗi ngày các loại đậu, mè để có đủ đạm cho cơ thể". Ăn chay nhưng ngồi một chỗ, bị thừa cân cũng "làm mồi" cho bệnh béo phì, tiểu đường, vì thế, mỗi ngày bà Lan tập thể dục 20 phút. Từ ngày ăn nhạt, bà không còn bị đau nhức, không phải dùng thuốc giảm đau, hạ huyết áp như trước. 
Phụ nữ, dù  ăn chay hay mặn đều có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt nếu chế  độ ăn uống không cân  đối và hợp lý. Biện pháp phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt hiệu quả là sử dụng thực phẩm có nhiều chất sắt như: rau xanh, mè, dùng thêm trái cây như cam, bưởi, sơri… để tăng hấp thu chất sắt. Các loại nấm (nấm mèo, nấm đông cô, nấm hương) rất giàu chất sắt lại ngon và bổ dưỡng. Và nếu trong độ tuổi 15 – 49, thấy da xanh xao, người mau mệt, khó tập trung… hãy uống bổ sung viên sắt.
Phụ Nữ

 

Bình luận (0)