Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Độc hại quanh chiếc máy tính

Tạp Chí Giáo Dục

Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-5-2010 kèm theo quyết định về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm dựa theo điều kiện lao động. Trong số đó có ngành lập trình, lắp ráp và sửa chữa máy tính. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, ngành học này vẫn đang thu hút khá nhiều bạn trẻ đam mê tin học. Nếu không có điều kiện theo học ở các trường ĐH, CĐ & THCN, những ai có nhu cầu vẫn có thể theo học ngành này tại các trường nghề và các trung tâm đào đạo nghề với những khóa học ngắn hạn.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng máy tính, đặc biệt là máy tính xách tay đang phổ biến rất rộng rãi nên cơ hội việc làm ở các công ty sản xuất, lắp ráp máy tính, các đại lý, cửa hàng bán, bảo trì và sửa chữa máy tính có thể nói là khá cao. Tuy nhiên, nếu không có chế độ làm việc hợp lý sẽ dẫn đến những hệ quả về sức khỏe cho người lao động. Anh Trần Ngọc Thương, nhân viên phần mềm của một công ty lập trình tại Q.3 cho biết: “Do tính chất công việc nên tôi phải tiếp xúc với máy tính thường xuyên. Ảnh hưởng của bức xạ màn hình máy tính thỉnh thoảng gây cho tôi cảm giác choáng váng, mệt mỏi. Thời gian gần đây tôi thấy mắt mình mờ đi rõ rệt”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Thoại Nam – Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường ĐHBK TP.HCM cảnh báo: “Hai bệnh thường gặp đối với những người làm nghề lập trình, lắp ráp, sửa chữa máy tính là bệnh về mắt và xương sống. Tuy nhiên, khá nhiều bạn trẻ lại chủ quan, không có chế độ giải lao cho mắt, xương sau khi tiếp xúc với máy tính suốt nhiều giờ liền”.
Làm việc trên máy tính liên tục mà không thay đổi tư thế sẽ dễ dẫn đến tình trạng đau đốt sống lưng, đốt sống cổ, đĩa đệm, cơ – xương – khớp. Các triệu chứng phổ biến nhất về sự suy giảm của thị giác mà người lao động trong môi trường này không nên coi thường như: Mỏi mắt, nhìn mờ, nước mắt chảy nhiều, khô mắt và chớp mắt quá mức hoặc nheo mắt. Ngoài ra, khi hàn, gắn các vi mạch, linh kiện trong máy tính, người thợ phải tiếp xúc với khí và các chất độc hại sinh ra trong quá trình hàn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Tuy nhiên, hiện nay chỉ ở những công ty có quy mô lớn mới trang bị bảo hộ lao động cho nhân viên. Để đảm bảo sức khỏe về lâu dài, những người làm nghề lập trình, lắp ráp và sửa chữa máy tính cần có những chế độ làm việc hợp lý. Để hạn chế cho mắt không phải điều tiết nhiều trong khi làm việc nên chỉnh khoảng cách giữa màn hình máy tính và mắt là 50-100 cm. Trong quá trình làm việc, thỉnh thoảng nên đứng dậy đi lại sẽ làm giãn mạch, tăng tuần hoàn và lưu thông máu ở khớp xương. Nghề lập trình, lắp ráp, sửa chữa máy tính sẽ giảm thiểu những độc hại nếu người lao động biết cách tự bảo vệ mình.
Yên Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)