Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cô bé “da cam” chinh phục giảng đường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Thu An, bạn học cùng lớp đang chia vui với Nhung (trái) trong ngày nhận giấy báo đỗ đại học

Bằng nghị lực phi thường, vượt lên nỗi đau khủng khiếp do bị nhiễm chất độc da cam, cô bé Lê Hồng Nhung, học sinh lớp 12B3, Trường THPT Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đã xuất sắc thi đỗ vào ngành thiết kế đồ họa, khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở TP.HCM.
Không đầu hàng… số phận
Hôm chúng tôi tìm về khu phố 2, thị trấn Cam Lộ cũng là lúc Nhung đang chuẩn bị hành lý để đáp chuyến tàu chiều vào thành phố Hồ Chí Minh cho kịp ngày nhập học. Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng ông Lê Hồng Tuyến và bà Nguyễn Thị Hà- ba mẹ Nhung rộn rã tiếng nói cười, lời chúc mừng của bạn bè, bà con lối xóm. Đón chúng tôi trên bậc cửa, gương mặt ông Tuyến rạng rỡ niềm vui: “18 năm trời vất vả, nay mang con đến bệnh viện này mai lại đưa con sang bệnh viện khác. Nhìn con quằn quại trong những cơn đau mà chúng tôi thắt cả lòng. 18 năm qua, chưa có lúc nào tôi thấy vui như hôm nay. Thế là ước mơ được vào đại học của con bé đã thành hiện thực”.
Em Lê Hồng Nhung là con gái đầu lòng của ông Tuyến và bà Hà. Vừa cất tiếng khóc chào đời, Nhung đã dặt dẹo không lớn nổi, đã thế còn đau ốm triền miên. Vợ chồng ông Tuyến đã mang con đi khắp nơi, từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để chữa trị. Nhưng càng lớn em càng ốm yếu, cơ thể phát triển chậm hơn rất nhiều so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Dù không biết rõ nguyên nhân vì sao Nhung bị bệnh, nhưng với bản chất kiên cường của người lính Cụ Hồ, ông Tuyến luôn nuôi hy vọng một ngày nào đó con mình sẽ mạnh khỏe như người thường. Cho đến năm Nhung lên 7 tuổi, trong một lần đưa con ra Hà Nội thực hiện ca mổ nâng tim, ông Tuyến thót tim khi nghe các bác sĩ thông báo Nhung bị nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau khiến ông không ít lần rơi vào tuyệt vọng. Ông bàng hoàng nhớ lại những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng và có khoảng thời gian tham gia ở chiến trường biên giới Việt – Lào. Trong những ngày đóng quân giữa đại ngàn Trường Sơn, sau mỗi lần máy bay địch rà ngang qua ông lại thấy làn khói hơi cay xè, chảy cả nước mắt, nước mũi. Không muốn tin vào sự nghiệt ngã mà số phận dành cho mình, vợ chồng ông quyết định sinh cháu thứ 2 là Lê Tiến Dũng. Nhưng cũng có số phận kém may mắn như chị Nhung, Dũng bị đau tim bẩm sinh. Thế là từ đó, vợ chồng ông dốc lòng, dốc sức làm lụng, tạo mọi điều kiện cho Nhung và Dũng tới trường với niềm mong mỏi bù đắp phần nào thiệt thòi cho con.
Vượt qua bệnh tật bằng nghị lực phi thường
Đã bước sang tuổi 19 nhưng Nhung chỉ cao chưa đầy 1,4 mét, nặng vỏn vẹn 30kg. Do từ lúc mới sinh ra đã bị lệch cầu vai và cơ tay bị co nên Nhung không thể đến trường bằng xe đạp. 12 năm đi học ở trường làng thì có đến 2/3 thời gian cô bé “da cam” này ngồi trên lưng ba mẹ, những ngày không ốm đau, cô tự dò dẫm đi bộ hoặc ngồi sau xe đạp do bạn bè chở… Tạo hóa cũng không đến nỗi bất công khi bù lại cho em một nghị lực sống phi thường và năng khiếu thiên bẩm về các môn tự nhiên. 12 năm liền Nhung đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Vào cấp 3, em theo chuyên ban B (Lý – Hóa – Sinh). Em Nguyễn Thu An, bạn học cùng lớp Nhung cho biết: “Những lúc trở trời, em thấy bạn Nhung đau đớn đến toát cả mồ hôi hột. Có lúc đau quá bạn ấy nằm vắt cả người trên bàn mà tay vẫn cầm bút viết bài. Thương Nhung nên cô giáo dành riêng cho bạn ấy một bàn học để dễ dàng xoay trở hơn. Vất vả vậy nhưng bạn ấy mê học lắm, dù đau mấy bạn ấy cũng đến lớp và bài tập khó đến mấy bạn ấy cũng tìm ra cách giải”.
Ngoài khả năng học các môn tự nhiên, Nhung còn có năng khiếu và niềm đam mê đồ họa, vẽ tranh. Và em đã khiến ba mẹ, bạn bè, thầy cô lẫn bà con lối xóm bất ngờ khi thi đỗ Trường Đại học Mở TP.HCM. Khi được hỏi về sự lựa chọn chuyên ngành thiết kế đồ họa, Nhung chia sẻ: “Có lẽ do mê vẽ tranh từ nhỏ nên khi chọn ngành để thi vào đại học, em đã không ngần ngại đăng ký ngay ngành thiết kế đồ họa. Em mong sau này trở thành nhà thiết kế để góp phần xây dựng quê nhà và có cơ hội gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm của các nhà thiết kế nổi tiếng trong và ngoài nước”.
Đang kiểm tra lại lần cuối tư trang đồ đạc cho con vào trường, bà Nguyễn Thị Hà- mẹ Nhung rơm rớm nước mắt: “Nhận được giấy báo đỗ đại học của cháu, là bậc làm cha làm mẹ chúng tôi ai chẳng vui mừng. Nhưng trong thâm tâm tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì nỗ lực cố gắng của con không hoài phí, lo vì từ lúc sinh ra đến giờ cháu sống trong vòng tay ôm ấp của ba mẹ, chưa xa nhà bao giờ, trong khi đó cháu lại ốm đau nhiều lúc không tự chăm sóc cho mình được”. Ngồi trên bậc cửa, thấy mẹ lo lắng, Nhung cất giọng rắn rỏi: “So với các bạn có số phận không may mắn bị nhiễm chất độc da cam, con thấy mình còn may mắn hơn nhiều. Dù trước mắt, cuộc sống xa nhà sẽ rất khó khăn nhưng con phải tiếp tục phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng ba mẹ, làm gương cho em noi theo. Con tin nghị lực và lòng tin vào cuộc sống của mình rồi sẽ được đền đáp…”.
Chia tay gia đình ông Tuyến, bà Hà, tôi thầm mong niềm tin của cô tân sinh viên Lê Hồng Nhung sẽ được tiếp thêm sức mạnh, vững vàng hơn trên giảng đường đại học. Tin rằng, nghị lực phi thường của cô bé “da cam” này sẽ là động lực cho những số phận kém may mắn bị nhiễm chất độc da cam vượt lên số phận.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)