Sầu riêng không chỉ là loại quả có nhiều chất bổ mà còn là vị thuốc chữa ho và bệnh ngoài da hiệu quả.
Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g cơm quả sầu riêng có 37,14% nước, 6,38% protit, 2,7% lipit, 16,2% gluxit, nhiều loại chất khoáng và vitamin. Mùi đặc biệt của múi sầu riêng là do hỗn hợp của các este và thioethe tạo thành.
Cũng vì vậy, về mặt dinh dưỡng sầu riêng được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, riêng chỉ có mùi quá mạnh của nó khiến người không quen khó chấp nhận.
Ăn sầu riêng ngon và bổ, tuy nhiên ta không nên ăn quá nhiều (trên 150g cơm quả một ngày) vì sẽ bị “nóng”, gây bứt rứt trong người, dễ sinh mụn nhọt. Ngoài giá trị ăn uống, quả và nhiều bộ phận của cây sầu riêng còn được dùng làm thuốc.
– Theo kinh nghiệm dân gian, rễ và lá sầu riêng được dùng làm thuốc chữa sốt và viêm gan vàng da: Lấy rễ và lá sầu riêng 10-20g thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống hằng ngày, đồng thời kết hợp lấy lá tươi nấu nước tắm cho những người bị vàng da do gan.
– Vỏ thân cây sầu riêng dùng nấu nước tắm chữa bệnh ngoài da và diệt chấy, rận, rệp…
– Hạt sầu riêng chứa 3,1% protit, 0,4% lipit, các chất P, Na, K, Ca, Mg, Fe, các vitamin B1, B2, C… do đó được sử dụng làm thức ăn và thuốc bổ dưỡng dưới dạng luộc, nướng hoặc rang chín, ăn bùi như hạt dẻ, hạt mít. Bột hạt sầu riêng cũng được dùng làm chất phụ gia trong chế biến các loại kẹo, mứt.
– Vỏ quả sầu riêng cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh. Sau khi ăn người ta lấy vỏ rửa sạch, thái lát mỏng, phơi khô để dùng.
Theo Đông y vỏ quả sầu riêng có vị đắng, tính ấm, có tác dụng ích khí, tiêu thực, cầm mồ hôi, làm ấm phổi để chữa ho, thường được dùng làm thuốc bổ khí, chữa đầy bụng, khó tiêu, ho do hàn, cảm sốt. Ngày dùng 15 – 20g, thái nhỏ nấu nước uống.
Theo Khoa học & Đời sống
Bình luận (0)