Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chớ coi thường thủy đậu

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi số ca tay chân miệng và sốt xuất huyết giảm, từ đầu tháng 1 đến nay, số trẻ bị mắc thủy đậu lại tăng.  

Trẻ bị thủy đậu đang điều trị tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM. Ảnh: từ Internet
Thủy đậu còn gọi là bệnh trái rạ hay phỏng rạ do siêu vi trùng Varicella zoster gây ra, là bệnh sốt phát ban có bóng nước gây ngứa toàn thân, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng 90% bệnh nhân là trẻ em nên được gọi là bệnh trẻ em. 90% trẻ sống chung với người bệnh, học tập, sinh hoạt với trẻ mắc bệnh thủy đậu, đều có nguy cơ mắc bệnh.
Trẻ sơ sinh, trẻ chưa chích ngừa hoặc bị bệnh suy giảm miễn dịch sẽ bị nặng hơn những trẻ khác. Tuy nhiên, hiện tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM vẫn gặp các trường hợp trẻ tái nhiễm thể nhẹ hoặc không có biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra bệnh cũng truyền qua nhau thai từ mẹ sang con khi mẹ mang thai bị nhiễm thủy đậu.
Siêu vi, siêu tàn phá
Trẻ bị mắc thủy đậu bắt đầu bằng sốt, thường là sốt nhẹ, trong một vài ngày.
Sau đó 1-2 ngày, nổi lên trên da những vết rát đỏ, xuất hiện các mụn bóng nước giữa các nến đỏ đó. Những mụn bóng nước này thường mọc ở thân mình, sau đó lan lên mặt và tay chân.
Nếu phụ huynh không đưa trẻ đến điều trị kịp trẻ dễ bị các biến chứng đến viêm thận, gan và viêm phổi. Vì vậy phụ huynh nên đưa trẻ đến các bệnh viện sản, nhi, trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn tiêm ngừa.
Thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy bệnh xảy ra tập trung từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, trong đó nhiều nhất là vào tháng 3. Khi bệnh xảy ra ở những trẻ suy dinh dưỡng, đề kháng kém, virus chẳng thèm ở ngoài lớp da bên ngoài, mà chạy thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan, gây sốt dao động.
Trẻ li bì, quờ quạng tay chân, có thể co giật. Phải đưa gấp đến bệnh viện vì trẻ đã bị viêm não do thủy đậu. Những trường hợp này nếu tích cực hồi sức, chữa trị cũng để lại di chứng thần kinh như điếc, động kinh, trí tuệ chậm phát triển. Nếu trẻ sốt cao, ho nhiều thì coi chừng bé bị viêm phổi do thủy đậu.
Một con siêu vi tưởng như chỉ hoành hành ngoài da rồi hô biến nhưng chúng vẫn không từ bỏ cơ hội để chui vào cơ thể của bé mà gây hại, để lại di chứng cay đắng suốt cuộc đời.
Cắt móng tay cho trẻ
Hiện chưa có giải pháp phòng bệnh nào hữu hiệu bằng chủng ngừa bằng vaccine. Tuy nhiên vaccine được dùng tiêm ngừa cho người khỏe mạnh, chưa mắc bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở đi.
Đối với trẻ từ 13 tuổi trở đi chích 2 liều, khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 6 tuần. Để chủng ngừa hiệu quả, nên tiêm ngừa trước khi mùa bệnh xảy ra, bởi tiêm sau khi tiếp xúc với người đã mắc bệnh đôi khi vẫn có thể mắc bệnh do đã bị nhiễm bệnh mà vaccine chưa kịp có tác dụng.
Ngoài ra, nên cách ly trẻ đối với những gia đình có người mắc bệnh. Khi trẻ mắc bệnh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, không tự ý dùng thuốc điều trị cho trẻ khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời cắt ngắn móng tay trẻ, không cho gãi vào các nốt bụng nước và mặc quần áo dài để che kín các nốt thủy đậu.
BS Trương Hữu Khanh 
(Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1-TPHCM)
Tiền Phong

Bình luận (0)