Huỳnh Khải Dũng |
Với sản phẩm là chiếc mũ bảo hiểm (MBH) thông minh nhiều tiện ích, Huỳnh Khải Dũng (SV năm 2, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã đoạt giải nhì cuộc thi Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng tiết kiệm năng lượng do TW Đoàn tổ chức năm 2009.
Nhịn ăn sáng, dành tiền… nghiên cứu khoa học
Vừa trở về từ Hà Nội (nhận giải thưởng), chàng SV cao nhồng lao vào ôn bài chuẩn bị cho những đợt thi kết thúc môn học sắp tới. Nhưng khi nghe tôi nhắc đến chiếc MBH thông minh của mình, Dũng lại say sưa “thuyết trình” như một nhà khoa học thực thụ. Năm 2008, trong một lần tham gia cuộc thi sáng tạo, vô tình có một chiếc MBH “lạc” trên bàn trưng bày của Dũng. Đến lượt mình thuyết trình, khi ban giám khảo hỏi “Chiếc MBH này dùng để làm gì?”. Từ câu hỏi này, cùng với thực tế từ việc người tham gia giao thông bị phạt nặng khi quên đội mũ, trong đầu Dũng liền nảy ra ý tưởng tạo ra một chiếc MBH thông minh có khả năng nhắc nhở chủ nhân… không đội MBH khi lưu thông. Tuy nhiên mãi đến cuối năm, Dũng mới bắt đầu mày mò chế tạo chiếc MBH “thông minh” và một năm sau chiếc mũ ra đời. Dũng cho biết: “Chiếc MBH này ngoài chức năng là bảo vệ đầu, còn có các chức năng khác như có thiết bị chuông báo động nhắc người khi lên xe quên đội mũ; có đèn pin khi di chuyển vào vùng tối; tai nghe Bluetooth cho người vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại. Các thiết bị gắn trên mũ đều tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để xạc pin”.
Để thực hiện được chiếc mũ trên, Dũng phải thức khuya lên mạng tra cứu tài liệu rồi tự thiết kế mạch cảm ứng điện từ trường, mua tai nghe Bluetooth, đèn led gắn lên mũ. Giá thành chiếc mũ chỉ cao hơn MBH bình thường khoảng 100 ngàn đồng. Dũng tính: “Nếu được đưa vào sản xuất đại trà thì giá thành sẽ hạ xuống nhiều”. Cất công mày mò chế tạo, chiếc mũ cũng không phụ lòng của chủ nhân khi đoạt giải nhì ý tưởng sáng tạo và đã có doanh nghiệp “nhắm” tới nhưng do chưa đăng ký sở hữu trí tuệ nên Dũng chưa dám mạnh dạn công bố. Có một điều ít ai biết được, chiếc MBH “thông minh” ra đời ngoài những đêm mày mò sáng tạo, tiền để mua vật liệu đều được Dũng tích góp từ tiền ăn sáng mẹ cho trong những tháng đi học.
Nghiên cứu khoa học từ phổ thông
Chúng tôi hỏi Dũng đến với khoa học từ khi nào, chàng cựu học sinh Trường THPT Bình Phú (Q.6) bật mí: “Em thích xem các chương trình khoa học từ lớp 8, nhất là chương trình Robocon của các trường ĐH. Cũng vì thích xem chương trình Robocon và thấy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật đoạt nhiều giải
Với “thâm niên” 6 năm nghiên cứu khoa học, Dũng đã có các sản phẩm thành công như: Máy mát xa – UBS cho người làm việc trên máy tính; máy đun cà phê bằng laptop; máy nghe nhạc MP3 sử dụng năng lượng mặt trời; máy báo động vấp ngã; khóa từ, hệ thống hẹn giờ bằng nước… |
thưởng nên em quyết định thi vào trường này với hy vọng sẽ được tham gia cuộc thi Robocon”. Thật vậy, ngay từ năm lớp 11, Dũng đã thích nghiên cứu khoa học khi liên tục đề xuất nhiều ý tưởng với giáo viên. Và lên lớp 12, Dũng ẵm ngay giải nhất cuộc thi sáng tạo trẻ của Thành đoàn với sản phẩm máy tạo sóng giao thoa. Tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, tốt nghiệp THPT, Dũng quay lại dự thi tiếp và giành thêm một giải nhất về máy báo té dành cho người già và người mang bầu, đồng thời “ẵm” luôn giải “người có nhiều sản phẩm nhất”. Bây giờ đã là SV nhưng Dũng vẫn giữ trách nhiệm hướng dẫn CLB Sáng tạo của Trường THPT Bình Phú.
Đến với cuộc thi “Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng sáng tạo tiết kiệm năng lượng 2009”, Dũng còn mang đến cho ban giám khảo một sản phẩm độc đáo khác – sản phẩm “Hiện đại hóa hệ thống xe buýt” với ý tưởng “mua vé xe buýt bằng cách nhắn tin qua kết nối GPRS”. Dũng cho biết: “Người đi xe buýt chỉ cần nhắn tin kết nối qua GPRS để mua vé, thông qua website của nhà xe, tiếp viên kiểm soát hành khách thông qua mã số mà website gửi lại cho người mua vé…”. Với cách làm này sẽ giảm được tình trạng xả rác do hành khách vứt vé trên xe hoặc xuống đường và giá vé cũng giảm xuống do cách quản lý khoa học. Khi được hỏi làm cách nào mà Dũng có được nhiều ý tưởng và khá thành công, em chỉ biết gãi đầu, nói: “Có lẽ do em quá mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ nên dễ làm. Vả lại, theo em, nghiên cứu khoa học cũng là một cách học thực tế và giúp ích cho mình rất nhiều dù đã nhiều lần thất bại”.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bình luận (0)