Rau mùi (ngò ta hay ngò rí) thuộc họ hoa tán. Ở nước ta rau mùi được trồng khắp nơi để làm gia vị và làm thuốc. Người ta thu hái toàn cây vào mùa xuân và hè, dùng tươi hay phơi khô.
Rau mùi rất giàu chất dinh dưỡng. Kết quả phân tích trong 100g lá có chứa 86,3% nước, 3,3% protid, 0,6% lipid, 2,3% vitamin và khoáng tố vi lượng, 1,2% chất xơ và 6,3% đường. Các khoáng tố gồm calcium, phosphor, sắt, các vitamin như carotene, vitamin C… Hạt ngò được sấy khô khi chín có mùi thơm nhẹ và dùng làm gia vị.
Theo y học cổ truyền, rau mùi có vị cay, tính ấm, dược tính như sau: bổ tỳ vị (lá rau mùi), long đờm, chữa cảm cúm (hạt rau mùi), chữa rối loạn tiêu hóa (1-2 muỗng dịch nước ép từ rau mùi hoặc bài thuốc gồm rau mùi khô phối hợp với ớt xanh, xác dừa, gừng và nho đen không hạt), hạ cholesterol trong máu, lợi tiểu (đun một nhúm hạt rau mùi khô trong nước sôi, lọc, để nguội và uống nhiều lần trong ngày), chữa rong kinh (6g hạt rau mùi khô đun với nửa lít nước, sắc cho cạn còn phân nửa, có thể cho thêm tí đường cho dễ uống, uống lúc còn nóng).
Rau mùi tươi được dùng làm gia vị nêm các món xúp, điều chế các loại nước xốt, để trang trí trên các món ăn cho đẹp vì màu xanh tươi và mùi thơm của lá. Tinh dầu của rau mùi còn được dùng làm hương liệu trong ngành dược. Ở dạng bột khô, hạt rau mùi được dùng làm gia vị, tạo nên mùi vị của bột cà ri, đồ chua, chế biến món xúc xích, hương liệu trong kỹ nghệ bánh kẹo, tạo mùi vị cho các thức uống và đặc biệt là điều chế rượu gin.
Theo DS Lê Kim Phụng / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)