Cuối tháng 8 này, Nguyễn Ngọc Trung sẽ bắt đầu cuộc đời sinh viên tại khoa toán của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Với chiếc huy chương vàng Olympic toán quốc tế vừa giành được tại cuộc thi ở Kazakhstan, Trung được đặc cách vào ĐH nhưng trên vai cậu học trò nghèo vẫn còn quá nhiều âu lo so với bạn bè cùng trang lứa.
Nguyễn Ngọc Trung bên tượng bán thân nhà toán học Lê Văn Thiêm ở Viện Toán học Việt Nam – Ảnh: Việt Dũng
Những ngày này, chàng tân sinh viên cặm cụi phụ giúp gia đình làm nghề mộc để kiếm thêm tiền trang trải việc học sắp tới. Bố Trung gần chục năm nay vật vã với căn bệnh đau dạ dày mãn tính và bác sĩ chẩn đoán bị ung thư xương, mẹ sức yếu phải nghỉ hưu sớm.
Trước mắt, Nguyễn Ngọc Trung sẽ vượt qua bốn năm ĐH như thế nào và xa hơn, cậu bé nghèo sẽ thực hiện giấc mơ trở thành nhà toán học ra sao?
Ấp ủ ước mơ
Ngày Nguyễn Ngọc Trung miệt mài với những bài toán hóc búa ở nước Kazakhstan xa xôi thì bố Trung được đưa vào viện cấp cứu. Căn bệnh dạ dày mãn tính, viêm hạch mãn tính hành hạ ông suốt gần chục năm nay phát tác.
Nguyễn Ngọc Trung cùng bố mẹ và em gái – Ảnh: Quốc Hội |
Tấm huy chương vàng Olympic toán quốc tế vừa giành được vội cất vào ngăn tủ sau chuyến trở về và sau những cảm xúc ngất ngây cùng những chúc tụng của thầy cô, bè bạn Trung vào xưởng mộc làm việc cùng bố. Sức khỏe yếu và cũng không hoa tay như bố, Trung chỉ có thể giúp làm những việc vặt như nhặt bào, nhặt đục hay đánh bóng mảnh gỗ. Bàn tay chỉ biết cầm bút mấy tháng nay đã bắt đầu chai lại. Đôi vai gầy gò của cậu học trò hì hục giúp bố đánh giấy nhám làm bóng những cánh cửa mộc ráp thô.
Sau giờ học, Trung phụ giúp gia đình làm nghề mộc – Ảnh: Lâm Nguyên |
Nhìn Trung cặm cụi đục đẽo bào cưa, ít người biết rằng nhiều năm về trước, “nhà” của cậu học trò là quán điện tử. Trung mê mải chơi game, bỏ bê học hành. Bà Nguyễn Thị Tuyết Dung, mẹ của Trung, kể: từ hồi học cấp II Trung đã là một cậu bé nghiện game, bố mẹ lơ là một chút là cậu “tót” ra quán game. Mỗi lần không thấy Trung đâu thì biết ngay chỗ tìm. Có hôm, bố mẹ phải kéo về nhà, đánh một trận đòn đau Trung mới biết sợ và bớt lê la.
● Thầy Đào Mạnh Thắng (giáo viên dạy toán của Nguyễn Ngọc Trung tại Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ): Trung sẽ tiến xa trong tương lai
Đối với tôi, Trung là một học sinh đặc biệt. Ngay từ hồi còn học cấp II, Trung đã rất nổi tiếng trên mạng và trên tạp chí Toán Học Và Tuổi Trẻ. Các thầy giáo ở trường cũng như các giáo sư ở Viện Toán học VN đánh giá rất cao các bài toán mà Trung giải trên mạng. Phải nói rằng Trung có năng khiếu đặc biệt với môn toán, em luôn tìm ra những cách giải độc đáo và sáng tạo.
Tôi nhớ hồi mới vào lớp, Trung gầy gò, trầm tính và ít khi mở lời. Nhưng trong các giờ toán, Trung hoạt bát hẳn lên, say mê. Nhiều lúc tôi cũng phải bất ngờ bởi lối tư duy bài bản và sắc sảo của cậu học trò này. Cần nhắc rằng bố mẹ Nguyễn Ngọc Trung chỉ là những người lao động bình thường, gia đình lại khó khăn, từ nhỏ Trung không được rèn luyện về cả tư duy lẫn cách học. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên và chú ý nhiều hơn đến cậu học trò này. Khi Nguyễn Ngọc Trung vào đội tuyển dự thi Olympic toán quốc tế, đây cũng là nhân vật được tất cả các thầy chú ý nhất. Vì Trung nghiện game như nghiện toán vậy. Các thầy cô không nhắc nhở thường xuyên thì Trung lại lên mạng “cày game”. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cho rằng Trung lựa chọn nghiên cứu toán là một việc làm đúng. Nếu giữ nguyên phong độ như hiện nay thì tôi tin cậu học trò nhỏ này sẽ tiến xa hơn nữa trong tương lai. Vấn đề của Trung hiện nay là trình độ tiếng Anh hạn chế, điều đó có thể ngăn cản những bước tiến của em. Hà Hương ghi
|
Vậy nhưng trong những tháng ngày mê mải trên mạng ấy, Nguyễn Ngọc Trung lại tìm thấy niềm đam mê thật sự là toán học. Chính những trò chơi giải toán trên mạng đã kéo “game thủ” này trở về với sách vở và trường học.
Bố chỉ học hết cấp I, mẹ tốt nghiệp trung cấp nên việc học của Trung được phó mặc cho các thầy cô giáo. Nhà nghèo, Trung cũng chẳng bao giờ đủ tiền đến lớp học thêm trừ những lúc được tập trung ôn thi học sinh giỏi.
Mẹ Trung hay nói với con: “Bố mẹ chẳng học hành đến nơi đến chốn, chỉ có thể động viên tinh thần và chắt chiu từng đồng cho con ăn học, còn chuyện học hành phải tự thân con cố gắng”.
Nhưng từ những tháng ngày nhọc nhằn đó, “gã thợ mộc” mê toán học đã ấp ủ một ước mơ xa hơn: trở thành một nhà toán học.
Fields – ai cũng từng mơ đến
Ngồi lặng lẽ trong khuôn viên của Viện Toán học VN chiều 21-8, Nguyễn Ngọc Trung trầm ngâm: “Fields, đó là giấc mơ ai cũng từng mơ đến, nhưng hẳn đó là con đường rất dài và rất xa. Em chỉ sợ mình không thể vươn tới”.
Trung kể không phải đến “hiện tượng Ngô Bảo Châu”, những học sinh toán mới chú ý đến giải Fields. Ngay từ năm lớp 10, lúc bắt đầu học chuyên toán, giải thưởng Fields đã luôn có mặt trong câu chuyện của những cậu học trò quê khăn gói lên tỉnh học. “Ngày đó, đối với chúng em, Fields giống như trong chuyện cổ tích vậy, chỉ dám mơ chứ không bao giờ nghĩ mình có thể làm được”.
Câu chuyện với Trung lại trở về với cái tên quen thuộc: GS Ngô Bảo Châu. Suốt buổi nói chuyện, Trung nói về người đi trước bằng ánh mắt rạng rỡ và say mê. Trung kể những ngày vừa qua, Trung liên tục lên mạng hoặc xem tivi để cập nhật tin tức liên quan đến GS Ngô Bảo Châu và giải thưởng Fields. Nhưng rồi giọng Trung lại chùng xuống: “Em chắc sẽ không thể xuất sắc như anh ấy”.
Nguyễn Ngọc Trung có lý do để nghĩ Fields chỉ là một giấc mơ quá xa đối với cậu học trò nghèo. Tấm huy chương vẫn nằm trong ngăn tủ, còn Trung đã phải tất bật với bao nhiêu nỗi lo hằng ngày.
Sắp đến ngày Trung nhập học, mẹ Trung vẫn lo lắng khống biết gia đình có kham nổi bốn năm ĐH hay không. Bố vừa yếu đi, xưởng mộc đã ế khách. Lương công nhân nghỉ hưu sớm của mẹ không đủ để trang trải cho cả gia đình. Trở thành nhà toán học là giấc mơ, còn giờ đây Trung đang trăm mối lo không biết “lên Hà Nội có thể kiếm công việc gì làm thêm ngoài giờ để đỡ đần bố mẹ”.
Nói về giấc mơ của con trai, mẹ Trung thở dài: từ nhiều năm nay Trung mong mỏi được đi du học. Trung luôn nói Pháp và Mỹ là cái nôi của toán học thế giới.
“Chúng tôi ở quê, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, biết con mong nhưng chẳng giúp gì được. Chuyện đi du học Trung phải tự cố gắng thôi. Cháu tìm được học bổng hoặc Nhà nước hỗ trợ thì may ra mới đi được” – bà nói theo cách nghĩ của mình.
Còn Nguyễn Ngọc Trung tranh thủ thời gian lên Hà Nội đã thăm dò tìm kiếm chỗ làm thêm. Cậu học trò gầy gò, đôi mắt to và sáng suốt buổi cứ ngồi băn khoăn với hàng loạt câu hỏi: em sẽ làm được việc gì, người ta có nhận em vào làm không…
Trung tâm sự mỗi lần bố đi khám bệnh lấy thuốc, mẹ lại phải đi vay tiền bà con trong xóm, đến kỳ lương mới có tiền trả. “Em muốn làm việc để đỡ đần khó khăn cho bố mẹ. Bệnh của bố bây giờ nếu phải làm việc nhiều và lo nghĩ thì sẽ càng nặng thêm” – cặp mắt to và sáng trĩu nặng ưu tư.
“Nghề” phụ: giải toán lĩnh thưởng
Thu nhập của cả nhà từ trước tới nay dựa vào đồng lương hưu của mẹ và xưởng mộc con con của bố. Thu nhập từ xưởng cũng phập phù vì xưởng nhỏ, ai thuê thì mới đóng những đồ đơn giản. Không nói ra nhưng cả nhà ai cũng hiểu: bố nghỉ ngày nào thì kinh tế gia đình sẽ khó khăn ngày đó.
Ngoài những giờ làm việc trong xưởng mộc, Nguyễn Ngọc Trung còn có thêm một nghề phụ để tăng thêm thu nhập cho gia đình là… giải toán đố trên các tạp chí toán học. Tiền lĩnh thưởng chỉ vài trăm nghìn nhưng cũng là một khoản tiền khá lớn đối với gia đình Trung. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)